+Aa-
    Zalo

    Xây dựng nông thôn mới: Không nóng vội, chạy theo thành tích

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi các địa phương, chỉ đạo về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

    (ĐSPL) – Vừa qua, song song với nhiều kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã nóng vội, có dấu hiệu của bệnh thành tích, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước thực trạng này, ngày 13/8, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi các địa phương, chỉ đạo về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
    Với mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thực tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân, được nhân dân cả nước đồng tình và hưởng ứng tích cực.
    Tuy nhiên, thực tế, một số địa phương còn tồn tại tình trạng nóng vội, chạy theo thành tích. Trong đó, để “về đích” đúng hạn, những địa phương này đã không ngần ngại “tận thu”, huy động đóng góp của dân một cách tùy tiện, quá mức, nhất là đối với các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Vì vậy, không ít hộ dân lâm vào cảnh bế tắc, nhiều gia đình chính sách, những đứa trẻ tật nguyền phải sống trong sự thiếu thốn, nợ nần, khổ đau…
    Để giải quyết những tồn tại trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Việc xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, phải căn cứ vào khả năng nguồn vốn của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn huy động và khả năng đóng góp của doanh nghiệp, người dân để xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp, không nóng vội chạy theo thành tích.
    Thủ tướng cũng yêu cầu việc huy động đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, địa phương, không quy định cứng nhắc tỷ lệ chi của Nhà nước và đóng góp của nhân dân. Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân; không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách phải đóng góp. Đồng thời, phải tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia.
    Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo: Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến công tác giảm nghèo, gắn với phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; tuyệt đối không để tình trạng xây dựng nông thôn mới làm tăng gánh nặng, tăng nghèo cho người dân; Nơi nào, cấp nào để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, gây khó khăn trong việc xác nhận và giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm khắc.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/xay-dung-nong-thon-moi-khong-nong-voi-chay-theo-thanh-tich-a46108.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan