Trước tình hình trên, ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có công điện yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Theo đó, người đứng đầu ngành Công Thương cho biết trong giai đoạn hiện nay, mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao. "Điều này gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân", ông Diên nhìn nhận.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, tham gia công tác bình ổn giá.
Phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo cơ quan này kịp thời tổng hợp, báo cáo về biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế. Qua đó có những đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá.
Cục QLTT các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá.
Tuyên truyền, vận động các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu nhận thức đúng và tích cực tham gia chương trình bình ổn giá, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch.
Trong cuộc họp sáng 28/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, cơ quan chức năng rà soát, có chính sách, giải pháp phù hợp để giảm giá các hàng hóa, dịch vụ liên quan, góp phần giảm sức ép lạm phát trong bối cảnh giá xăng, dầu đã giảm.
Lý giải về nguyên nhân giá thực phẩm chưa giảm theo giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng- Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Bền vững TP.HCM (IRSH) chia sẻ với VOV, giá xăng dầu thời gian qua tăng- giảm không bền vững gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tính toán giảm giá thành sản phẩm.
Các doanh nghiệp sản xuất lo ngại xăng chỉ giảm giá tạm thời rồi lại sẽ tăng lên kéo theo giá bán liên tục biến động, không ổn định. Vì vậy, doanh nghiệp cần thêm thời gian rồi mới tính đến chuyện điều chỉnh giá hàng hóa hạ xuống.
Bạch Hiền (t/h)