Ngày 28/11, Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) thông báo tên tiếng Anh của bệnh đậu mùa khỉ - “Monkeypox” sẽ được đổi thành “Mpox”. Thông báo nêu rõ, sau nhiều cuộc tham vấn với các chuyên gia toàn cầu, WHO bắt đầu sử dụng thuật ngữ mới "Mpox" như từ đồng nghĩa của "Monkeypox".
Hai tên gọi nói trên sẽ được sử dụng đồng thời trong 1 năm cho đến khi từ “Monkeypox” bị loại bỏ hoàn toàn. WHO sẽ sử dụng "Mpox" trong trao đổi thông tin, khuyến khích các bên thực hiện những khuyến nghị này nhằm giảm thiểu bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào liên quan đến tên cũ và việc sử dụng tên mới.
Theo New York Times, trước đó, các nhà nghiên cứu sức khỏe công cộng cho rằng tên gọi “Monkeypox” gây ra những hiểu lầm không đáng có, đồng thời củng cố các quan niệm sai lầm của công chúng về khu vực châu Phi, ngăn cản những người mắc bệnh tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Từ đầu năm 2022, WHO đã hỏi ý kiến công chúng để tìm ra tên gọi mới cho bệnh đậu mùa khỉ. Một trong những cái tên nhận được nhiều sự ủng hộ nhất là "mpox" hoặc "Mpox". Cái tên này do một tổ chức chăm sóc sức khỏe dành cho nam giới có tên RÉZO cùng một số người khác đề xuất. Theo giám đốc RÉZO, việc bỏ đi hình ảnh loài khỉ trong tên bệnh giúp công chúng cảnh giác hơn với mức độ nghiêm trọng của bệnh đậu mùa khỉ.
Tên gọi của bệnh đậu mùa khỉ xuất phát từ việc virus này được phát hiện lần đầu tiên ở những con khỉ trong phòng thí nghiệm tại Đan Mạch vào năm 1958. Bệnh cũng xuất hiện ở một số động vật khác, chủ yếu là các loài gặm nhấm.
Năm 1970, các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bệnh đậu mùa khỉ trên người ở CHDC Congo. Căn bệnh này trước đây chỉ lưu hành tại các quốc gia ở Trung và Tây Phi nhưng vào tháng 5/2022, bệnh đã lây lan nhanh chóng trên thế giới. Tính đến nay, tổng cộng 81.107 người mắc đậu mùa khỉ tại 110 quốc gia, trong đó có 55 trường hợp tử vong.
Đinh Kim(T/h)