+Aa-
    Zalo

    Bộ Y tế xếp đậu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B

    (ĐS&PL) - Tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh có yếu tố dịch tễ nước ngoài.

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, bộ Y tế vừa có quyết định bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm B của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. 

    Quyết định số 3044/QĐ-BYT của bộ Y tế bổ sung bệnh đâu mùa khỉ vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương ký ban hành ngày 9/11 căn cứ trên đề xuất của cục Y tế Dự phòng.

    Các hoạt động phòng, chống bệnh được thực hiện theo quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và căn cứ vào tính chất nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ.

    bo y te xep dau mua khi vao danh muc benh truyen nhiem nhom b
    Đậu mùa khỉ được bổ sung vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ảnh minh họa

    Được biết, ở Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 3 nhóm. Cụ thể, nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh bao gồm các bệnh bại liệt, cúm gia cầm A(H5N1), bệnh đậu mùa, bệnh COVID-19, bệnh sốt vàng…

    Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thuỷ đậu…

    Trong khi đó, nhóm C gồm bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh (giang mai, lậu, bệnh sốt mò, sán lá gan, sốt xuất huyết do virus Hanta…).

    Đậu mùa khỉ (monkeypox) không phải là bệnh mới, ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô, kể từ đó bệnh đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.

    Vào năm 2003, đợt dịch đầu tiên bên ngoài châu Phi xảy ra tại Mỹ, liên quan tới cầy thảo nguyên (chó đồng) khiến hơn 70 người mắc. Sau đó, bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo rải rác. Từ tháng 5/2022 đến nay, dịch có diễn biến bất thường, lan ra nhiều nước.

    Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh, gồm tiếp xúc mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, quan hệ tình dục. Đa số người bệnh sẽ khỏi sau 10-14 ngày với cơ địa có miễn dịch bình thường và hết lây lan sau 21 ngày, một số trường hợp chuyển biến nặng.

    Người mắc bệnh đậu mùa khỉ thường gặp các triệu chứng gồm sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban nhìn giống như mụn nước trên mặt, trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục, hậu môn.

    Hiện, tình hình dịch đậu mùa khỉ trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Việt Nam cũng đã ghi nhận 2 ca bệnh đậu mùa khỉ có yếu tố dịch tễ nước ngoài. Hiện, cả hai người bệnh đều đã khỏi bệnh và được xuất viện. Nguy cơ lây lan trong cộng đồng đã được kiểm soát và chưa ghi nhận ổ dịch đậu mùa khỉ tại Việt Nam, theo VietNamNet.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-y-te-xep-dau-mua-khi-vao-danh-muc-benh-truyen-nhiem-nhom-b-a556875.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan