Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng chất tạo ngọt không đường (NSS) có thể liên quan đến việc gia tăng số lượng người thừa cân hoặc béo phì. Chúng cũng có thể liên quan đến sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh tiểu đường loại hai, bệnh tim mạch, ung thư và sâu răng.
Thông tin trên được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu của WHO kiểm tra dữ liệu từ 283 nghiên cứu được thực hiện ở người lớn, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc một số nhóm hỗn hợp. Kết quả cho thấy việc sử dụng chất tạo ngọt không mang lại bất kỳ lợi ích lâu dài nào trong việc giảm mỡ thừa hoặc giảm cân ở người lớn hoặc trẻ em.
Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng các chất tạo ngọt thay thế cho đường trong thời gian ngắn dẫn đến giảm tổng năng lượng nạp vào cơ thể khiến nhiều người nhầm lẫn các chất này có thể giúp họ giảm cân.
Tuy nhiên, WHO cho biết, nếu sử dụng các chất tạo ngọt trong thời gian dài, người dùng sẽ có nguy cơ gặp phải một số tác dụng không mong muốn chẳng hạn như tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và nhiều bệnh lí khác có thể dẫn đến tử vong.
Giám đốc dinh dưỡng và an toàn thực phẩm của WHO Francesco Branca cho biết: "Mọi người nên giảm hoàn toàn chất ngọt trong chế độ ăn uống, bắt đầu từ sớm, để cải thiện sức khỏe."
Dựa theo kết quả của nghiên cứu, WHO đã đưa ra một hướng dẫn mới khuyến nghị không sử dụng các chất tạo ngọt thay thế đường để kiểm soát trọng lượng cơ thể hoặc giảm nguy cơ mắc các bệnh không truyền nhiễm. Khuyến nghị áp dụng cho tất cả mọi người trừ những người mắc bệnh tiểu đường từ trước.
Tiến sĩ Ian Johnson, nhà nghiên cứu dinh dưỡng và thành viên danh dự tại Viện Quadram ở Norfolk, cho biết: "Hướng dẫn mới này dựa trên đánh giá kỹ lưỡng về các tài liệu khoa học mới nhất và nó nhấn mạnh rằng việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo không phải một giải pháp tốt duy trì cân nặng mong muốn. Tuy nhiên, điều này không nên được hiểu là một dấu hiệu cho thấy lượng đường nạp vào không liên quan đến việc kiểm soát cân nặng”.
Phương Uyên (Theo Daily Record)