+Aa-
    Zalo

    Vụ VN Pharma: Tòa án sơ thẩm có quyền sửa bản án đã tuyên thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm xét xử Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm trong vụ án "buôn lậu" đã được ban hành. Tòa phúc thẩm có quyền sửa bản án đã tuyên thế nào?

    Viện KSND cấp cao TP.HCM đã ban hành quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm xét xử Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm trong vụ án "buôn lậu" do TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm trước đó. Vậy sau tòa án sơ thẩm, tòa phúc thẩm có quyền sửa bản án đã tuyên thế nào? 

    Quyết định kháng nghị bản án đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm bởi còn nhiều vấn đề chưa được điều tra làm rõ, cần điều tra lại để tránh lọt người, lọt tội.

    Như đã thông tin, sau khi TAND TP.HCM xét xử Nguyễn Minh Hùng (nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) và các đồng phạm về tội buôn lậu trong vụ nhập khẩu lô thuốc ung thư H-Capita giả, dư luận dấy lên nhiều câu hỏi về các tình tiết chưa được làm rõ trong vụ án.

    Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết thêm, việc xem xét kháng nghị vụ án đến từ việc còn quan điểm khác nhau về định tội buôn lậu hay buôn bán hàng giả trong vụ án.

    Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với các luật gia để tìm hiểu vấn đề trên phương diện pháp lý.

    Luật sư Lê Khắc Hải – Trưởng VP Luật sư Việt Dũng cho hay: Theo quy định tại Chương XXV của BLTTHS năm 2015 thì VKSND cấp cao có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây trong thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự: 1) Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; 2) Tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm; 3) Tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, phát biểu ý kiến của VKSND về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.

    Viện trưởng VKSND cấp cao thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo quy định tại Điều 372 BLTTHS năm 2015 thì nguồn phát hiện căn cứ kháng nghị có thể xuất phát từ đơn đề nghị của người bị kết án, thông báo của cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân khác khi phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật…

    Ngoài ra, VKSND cấp cao có thể phát hiện căn cứ kháng nghị thông qua công tác kiểm sát bản án hoặc qua các nguồn thông tin khác như qua kiểm tra nghiệp vụ, qua các phương tiện thông tin đại chúng… Từ những nguồn phát hiện căn cứ kháng nghị nêu trên, Viện trưởng VKSND cấp cao có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hay không.

    “Do tính chất của thủ tục giám đốc thẩm là “xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật” để khắc phục những vi phạm nghiêm trọng trong các bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, nên chỉ khi có đủ căn cứ cho rằng việc giải quyết vụ án trước đó là có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì mới được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”, luật sư Hải cho biết.


    Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

    Còn luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho hay: “Điều 234. BLTTHS 2003 quy định thời hạn kháng cáo, kháng nghị: Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là mười lăm ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là ba mươi ngày, kể từ ngày tuyên án”.

    “Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm giam, thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám thị trại tạm giam nhận được đơn”, luật sư Thơm cho biết thêm.

    Nếu có căn cứ về việc tòa cấp sơ thẩm truy tố và xét xử về tội buôn lậu trong vụ việc Vn Pharma là không đúng thì VKSND cấp cao có quyền đề nghị lên Tòa án nhân dân cấp cao về việc xét xử theo hướng tội danh trên là chưa đúng và kháng nghị kết quả điều tra.

    Việc VKSND cấp cao kháng nghị sẽ dẫn tới phiên tòa xét xử phúc thẩm về sự việc. Phiên xét xử phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ điều tra và xem xét những vấn đề VKSND cấp cao nêu trong phần kháng nghị. Nếu có sơ sở khẳng định việc xét xử về tội buôn lậu trong vụ việc VN Pharma là chưa đúng thì Tòa án Nhân dân cấp cao có thể hủy bản án và yêu cầu điều tra lại.

    “Việc điều tra lại vẫn do cơ quan Tòa án TP. HCM điều tra lại theo trình tự sơ thẩm ban đầu”, luật sư Thơm cho biết.

    Điều 249. Sửa bản án sơ thẩm

    1. Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

    a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo;

    b) áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;

    c) Giảm hình phạt cho bị cáo;

    d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

    đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.

    2. Nếu có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.

    3. Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại, nếu có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại, nguyên đơn dân sự; nếu có căn cứ, Tòa án vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.

    Điều 250. Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại

    1. Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được.

    2. Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ởcấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong những trường hợp sau đây:

    a) Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng;

    b) Người được Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội.

    3. Khi hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Toà án cấp phúc thẩm phải ghi rõ lý do của việc hủy bản án sơ thẩm.

    4. Khi huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại, Toà án cấp phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Toà án cấp sơ thẩm cần phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điều khoản Bộ luật hình sự và hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm sẽ phải áp dụng.

    5. Trong trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.

    Xuân Tùng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-vn-pharma-toa-an-so-tham-co-quyen-sua-ban-an-da-tuyen-the-nao-a203260.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan