+Aa-
    Zalo

    Câu hỏi quan trọng nhất chưa… được hỏi trong vụ VN Pharma?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Có 7 thuốc khác đã được nhập theo con đường tương tự thuốc chữa ung thư H-Capita nhưng đã được lưu hành. Vậy chúng đã được sử dụng cho ai và có tác hại gì không?

    Trong nhiều vấn đề được đặt ra tại phiên tòa sơ thẩm cũng như trên công luận của vụ VN Pharma, một câu hỏi quan trọng chưa được nhắc đến là: Có 7 thuốc khác đã được nhập theo con đường tương tự thuốc chữa ung thư H-Capita nhưng đã được lưu hành. Vậy chúng đã được sử dụng cho ai và có tác hại gì không?

    Chiều 22/9, VKSND Cấp cao TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị, đề nghị tòa cùng cấp xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm của TAND TP. HCM đối với cựu Chủ tịch Công ty cổ phần VN Pharma Nguyễn Minh Hùng cùng đồng phạm buôn lậu thuốc trị ung thư. Theo VKS, vụ án còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ; có dấu hiệu lọt người, lọt tội cần điều tra lại.

    Trước đó, Viện đã giao Phòng nghiệp vụ hình sự nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án do có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc định tội danh lãnh đạo VN Pharma cùng đồng phạm chưa đúng, các bị cáo có dấu hiệu của tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh - khung hình phạt cao hơn nhiều so với tội Buôn lậu.

    Tuy nhiên, có một vấn đề cần rất quan trọng mà trong hồ sơ vụ án được đưa ra tại phiên sơ thẩm chưa được nhắc tới. Đó là hậu quả của 7 thuốc khác mà Công ty cổ phần VN Pharma nhập về cũng bằng thủ đoạn tương tự như loại thuốc chữa ung thư H-Capita. Trong khi thuốc H-Capita đã bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấm lưu hành, ngăn chặn kịp thời thì 7 thuốc còn lại đã được lưu hành. Có nghĩa là những thuốc có dấu hiệu chưa đảm bảo chất lượng đó đã được dùng cho người bệnh.

    Trong vụ án VN Pharma, câu hỏi quan trọng nhất vẫn chưa… được hỏi

    Với mong muốn làm sáng tỏ thêm vấn đề, PV Báo Đời sống & Pháp luật đã lần lại hành trình của 7 thuốc mà Công ty cổ phần VN Pharma nhập về bằng thủ đoạn gian dối và đã được lưu hành. Việc điều tra, khảo sát hậu quả của 7 thuốc trên không chỉ làm căn cứ quan trọng để xác định tội danh của các bị cáo trong phiên xử sơ thẩm mà còn với cả những cá nhân, tổ chức có liên quan khác chưa bị xem xét trách nhiệm. Và quan trọng hơn, phải điều tra, làm rõ để có trách nhiệm với những người đã sử dụng thuốc của VN Pharma. Họ là những bị hại quan trọng nhất nhưng “chưa có mặt” trong tất cả hồ sơ vụ án và trong phiên sơ thẩm.

    Cụ thể, theo hồ sơ điều tra, ngoài số thuốc chữa ung thư là H-Capita bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế rút số đăng ký, còn có 7 thuốc khác của Công ty cổ phần VN Pharma cũng bị Cục Quản lý Dược rút khỏi danh sách lưu hành tại Việt Nam từ ngày 19/9/2014.

    7 thuốc trên có hàm lượng khác nhau với tên gốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin. Đây là thuốc dịch tiêm truyền tĩnh mạch.

    Có 7 thuốc khác đã được nhập theo con đường tương tự thuốc chữa ung thư H-Capita nhưng đã được lưu hành. Vậy chúng đã được sử dụng cho ai và có tác hại gì không?

    Trong thời điểm diễn ra phiên tòa, khi được báo chí hỏi, Sở Y tế TP. HCM trả lời, 7 thuốc này chưa lưu hành ở bất kỳ bệnh viện nào trên địa bàn thành phố. Thông tin này khiến dư luận phần nào yên tâm nhưng cũng dễ bị hiểm lầm là 7 thuốc trên chưa được lưu hành ở bất kỳ đâu, cũng giống như thuốc chữa ung thu H-Capita. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy.

    Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các loại thuốc này đã được tiêu thụ trên thị trường. Cụ thể, cáo trạng nêu: Từ năm 2012 đến năm 2014, Công ty Cổ phần VN Pharma đã chuyển tiền ra nước ngoài rồi lấy lại tiền để chi phí bán hàng và mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng đứng tên một số cán bộ chủ chốt của Công ty Cổ phần VN Pharma. Sau khi Nguyễn Minh Hùng bị bắt, các ngân hàng đã tất toán để thu hồi nợ.

    “Ngoài ra, Công ty Cổ phần VN Pharma còn lập giả các hợp đồng vay vốn cá nhân để hợp thức hóa số tiền nâng khống giá thuốc đã nhận về chi phí các khoản không có hóa đơn, chứng từ. Các bị can và người đứng tên sổ tiết kiệm, hợp đồng vay vốn nói trên đều khai nhận: số tiền trong sổ tiết kiệm và các hợp đồng vay vốn nói trên đều là của Công ty Cổ phần VN Pharma thu về bằng thủ đoạn nâng khống giá thuốc, để ngoài sổ sách kế toán và được sử dụng chi phí “hoa hồng” cho bác sỹ để bán thuốc vào bệnh viện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Minh Hùng.

    Do chưa sử dụng đến tiền nâng khống giá thuốc nên đưa vào sổ tiết kiệm đứng tên nhân viên Công ty Cổ phần VN Pharma và dùng để thế chấp vay vốn kinh doanh.  Hành vi trên có dấu hiệu của tội “Trốn thuế”. Tuy nhiên, do sự việc trên xảy ra đã lâu, số thuốc nhập về đã tiêu thụ, Cơ quan An ninh điều tra không thu giữ được tài liệu đầy đủ nên không có điều kiện điều tra, làm rõ số tiền của từng trường hợp cụ thể để kết luận " - cáo trạng nêu.

    Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần làm rõ việc 7 thuốc còn lại mà VN Pharma đã nhập về bằng các hình thức gian dối và đã được lưu hành có đảm bảo chất lượng hay không? Và nếu không đảm bảo chất lượng thì đã được sử dụng ở đâu? Có bao nhiêu bệnh nhân đã sử dụng và kết quả như thế nào?...là những câu hỏi bức thiết cần được giải đáp. Nó không những có vai trò quan trọng trong việc định tội các bị cáo và xem xét trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan mà còn là vấn đề nhân đạo.

    Báo Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin thêm về vấn đề này cũng như đề cập đến những câu hỏi còn bỏ ngỏ hoặc gây tranh luận thời gian qua của vụ án. 

    Theo cáo trạng, từ năm 2012, Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma, thông qua Võ Mạnh Cường – Giám đốc Công ty H&C đặt mua một số loại thuốc tân dược có nhãn mác Health 2000 Canada sản xuất; (BL12279-12642).

    Đến năm 2013, Hùng tiếp tục đặt Võ Mạnh Cường mua thuốc tân dược có nhãn mác do Công ty Helix Pharmaceutical Canada (Công ty Helix Canada) sản xuất để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam; trong đó có H-Capita 500mg Caplet (Capicitabine 500mg) chữa bệnh ung thư.

    Khi nhập 9.300 hộp H-Capita 500mg về kho, do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu, Cục Quản lý dược đã yêu cầu Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường giải trình và tiến hành thanh tra, kiểm tra Công ty Cổ phần VN Pharma, kịp thời niêm phong lô thuốc, không cho bán ra thị trường.

    Ngày 01/8/2014, Cục Quản lý Dược đã có công văn 13134/QLD-KD yêu cầu Công ty VN Pharma tạm ngừng nhập khẩu và lưu hành đối với các loại thuốc của nhà sản xuất Helix Pharmaceutical Inc Canada.

    Ngày 08/8/2014, Cục Quản lý Dược có Công văn 13499/QLD-KD gửi Cục An ninh Chính trị nội bộ (Bộ Công An) đề nghị xác minh thông tin liên quan đến lô thuốc trên. Sau đó, Cục An ninh chính trị nội bộ đã chuyển hồ sơ, tài liệu điều tra sang cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của Pháp luật.

    Ngoài việc làm giả hồ sơ thuốc H-Capita 500mg Caplet, từ năm 2012 đến năm 2014, Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm còn làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty Austin Hồng Kông để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc (H2K – Levofloxacin, H2K- Cirprofloxacin) có nhãn mác Health 2000 Canada. Để làm thủ tục nhập khẩu, Võ Mạnh Cường cũng làm giả Invoice, packing list COA, đóng dấu Công ty Health 2000 Canada cung cấp cho Công ty Cổ phần VN Pharma. Đến nay, do không thu giữ được đầy đủ tài liệu và tang vật, Cơ quan An ninh điều tra không có điều kiện xác định cụ thể số lượng, chất lượng thuốc và giá trị thực của lô hàng trên. 


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-hoi-quan-trong-nhat-chua-duoc-hoi-trong-vu-vn-pharma-a203092.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan