+Aa-
    Zalo

    Vụ tai nạn máy bay chở 181 người ở Hàn Quốc: Phát hiện chi tiết mấu chốt trong động cơ

    (ĐS&PL) - Phát hiện lông vũ trong động cơ, nhà chức trách Hàn Quốc xác nhận máy bay Jeju Air gặp nạn tại sân bay Muan do va chạm với chim.

    Tuổi Trẻ đưa tin, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc (MOLIT) tổ chức họp báo công bố nguyên nhân tai nạn của máy bay thuộc Hãng hàng không Jeju Air hôm 29/12/2024.

    Va chạm với chim được chỉ ra là nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn, dựa trên tín hiệu "mayday" (tín hiệu cấp cứu) của phi công và lời khai của các thành viên phi hành đoàn còn sống sót.

    Theo Hãng thông tấn Yonhap, đây là lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc chính thức xác nhận máy bay gặp nạn đã va chạm với chim.

    Lực lượng cảnh sát chuyên trách kiểm tra hiện trường vụ tai nạn máy bay Jeju Air hôm 7/1. Ảnh: Yonhap

    Lực lượng cảnh sát chuyên trách kiểm tra hiện trường vụ tai nạn máy bay Jeju Air hôm 7/1. Ảnh: Yonhap

    Ông Lee Seung-yeol, người đứng đầu nhóm điều tra tai nạn của Ủy ban Điều tra tai nạn hàng không và đường sắt Hàn Quốc, cho biết đã tìm thấy lông vũ bên trong động cơ chiếc máy bay gặp nạn.

    Ba chuyên gia về chim của Viện Tài nguyên sinh vật quốc gia đã đến nhà chứa máy bay sân bay Muan, nơi lưu giữ hai động cơ của máy bay gặp nạn, và thu thập các mẫu bao gồm cả đất và lông vũ từ bên trong động cơ.

    Các nhà điều tra sẽ tiếp tục đào sâu sự việc bằng việc tìm hiểu loài chim gì, số lượng chim đã va chạm với máy bay và cách nó va chạm rồi bị hút vào động cơ để ngăn thảm kịch tái diễn.

    Về dữ liệu từ hộp đen máy bay, ông Lee cho biết sẽ mất ít nhất 3 ngày để truy xuất dữ liệu và thêm vài ngày nữa để có được các dữ liệu cơ bản.

    Đối với băng ghi âm và hình ảnh giám sát, việc phân tích có thể mất hàng tháng.

    Thảm kịch máy bay Jeju Air xảy ra vào ngày 29/12/2024, khiến 179 trong tổng số 181 người trên máy bay thiệt mạng. Dù chính phủ khẳng định thiết kế và vị trí đặt thiết bị định vị (localizer) tại sân bay Muan đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, giới chuyên gia cho rằng cấu trúc này không đảm bảo an toàn, góp phần làm tăng mức độ nghiêm trọng của tai nạn.

    Cụ thể, thiết bị định vị được đặt trên ụ đất cao 2m và gia cố bằng 19 cột bê tông. Các chuyên gia cho rằng thiết kế này không phù hợp với quy định an toàn, vì cấu trúc cần ưu tiên tính dễ vỡ trong trường hợp va chạm để giảm thiểu hậu quả. Bộ quy chuẩn an toàn sân bay yêu cầu vùng an toàn cuối đường băng (RESA) kéo dài ít nhất 240 m, nhưng RESA tại sân bay Muan chỉ đạt 199 m.

    “Dù thiết bị định vị nằm cách đường băng 500 m, thiết kế của nó vẫn phải đảm bảo tính dễ vỡ khi xảy ra va chạm. Tại sao lại gia cố nó bằng bê tông như thể nó sẽ tồn tại mãi mãi?”, Giáo sư Kim Gwang-il, chuyên gia hàng không tại Đại học Silla, đặt câu hỏi.

    Bất chấp chỉ trích, Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc vẫn khẳng định thiết kế thiết bị định vị vẫn tuân thủ quy định hiện hành và không có vi phạm. Dù vậy, cơ quan điều tra trung ương thừa nhận rằng yếu tố an toàn trong thiết kế chưa được ưu tiên đầy đủ.

    Bộ trưởng Park Sang-woo cam kết sẽ cải thiện các biện pháp an toàn tại sân bay, nhưng chưa đưa ra kế hoạch cụ thể, thông tin trên Tạp chí Tri Thức.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/vu-tai-nan-may-bay-cho-181-nguoi-o-han-quoc-phat-hien-chi-tiet-mau-chot-trong-ong-co-a497457.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan