(ĐSPL) – Ngày đón linh cữu chồng từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) trở về, người vợ trẻ đã ngã quỵ trong tiếng kêu gào đến xé lòng“anh ơi sao anh bỏ em và con mà đi vậy...”
Ngày nhận hung tin về vụ sập giàn giáo ở công trình Formosa (Hà Tĩnh) làm hàng chục người thương vong, cả dải đất miền Trung kéo dài từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, người dân như chịu chung một nỗi đau của sự mất mát. Biết bao gia đình chìm trong cảnh tang thương khi mẹ thì mất con, vợ mất chồng và con cái mất đi người cha.
Ở huyện Diễn Châu (Nghệ An), không khí đau đớn vẫn bao trùm khi huyện có tới 3 công nhân thiệt mạng trong vụ sập giàn giáo, đó là anh Lâm Hữu Chính, Phạm Xuân Hùng và anh Lê Quốc Hưng. Sáng ngày 26/3, thi thể 3 nạn nhân xấu số này đã được đưa về quê để làm thủ tục mai táng. 5h sáng, chiếc quan tài chở thi thể anh Phạm Xuân Hùng (SN 1986), trú tại xóm 6, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu về đến nhà. Tiếng khóc, tiếng gào của người mẹ gọi tên con, người vợ gọi tên chồng vang lên chua xót. Hàng xóm láng giềng cũng đã có mặt để chung tay lo giúp người thân nạn nhân việc tiễn người đã khuất về nơi ai nghỉ.
Đứng bên lĩnh cửu người chồng vừa tử nạn, chị Hứa Hồng Hạnh (SN 1987) khóc đến ngất lên ngất xuống. Chị và người thân vẫn không thể tin được sự ra đi đột ngột của anh Hùng.
Theo gia đình nạn nhân, anh Hùng và chị Hạnh lấy nhau đã gần 5 năm. Anh chị có với nhau hai người con, cháu đầu là Phạm Tiến Đạt năm nay mới 5 tuổi và cháu thứ hai Phạm Nhã Uyên mới 19 tháng tuổi.
Chị Hạnh vẫn không dám tin chồng mình đã ra đi mãi mãi |
“Trước đây, Hùng đi làm xa, chỉ có tết mới về thăm gia đình. Thấy anh em bạn bè rủ nhau đi làm ở Vũng Áng nên nó cũng đi theo. Cứ tưởng con có công việc là gia đình được nhờ, ai dè...”, câu nói bị bỏ lửng bởi những dòng nước mắt tuôn trào trên gò má ông Phạm Văn Tân (SN 1951), bố nạn nhân Hùng. Như vậy, công việc của anh Hùng chỉ mới bắt đầu được 15 ngày thì tại họa ập xuống.
Anh Vũ Thanh Ngọc (SN1970), ngụ xóm 5, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, một trong những nạn nhân thoát chết trong vụ tai nạn sập giàn giáo kể lại: “Tôi cùng với một số anh em đang làm thì nghe anh quản lý gọi sang chỗ khác làm, vừa cầm máy bước ra khỏi chỗ làm thì giàn giáo đổ sụp xuống. Sự việc diễn ra quá đột ngột, tôi bất lực trước hoàn cảnh như vậy và không biết làm gì. Tôi may mắn là người đi đầu nên thoát chết. Hùng và các anh em chỉ cách tôi có mấy bước mà không ai thoát ra được, lúc ấy ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được, mấy đêm nay tôi không ngủ được và phải uống rượu mong say đi nhưng hình ảnh các công nhân bị giàn giáo đè lên vẫn hiện hữu trước mắt. Nỗi ám ảnh này chắc cả đời không bao giờ quên”.
Bồng trên tay đứa con thơ dại mới 19 tháng tuổi, chị Hạnh chỉ còn biết gục đầu trước bàn thờ chồng, hai tay ôm chặt con vào lòng. Chị vẫn không tin được rằng, chồng mình đã ra đi mãi mãi. Bởi trước đó, anh Hùng chồng chị còn hứa cuối tuần này sẽ về thăm vợ, rồi đưa vợ đi chơi nhân ngày thành lập đoàn cùng với bạn bè chung lứa. Sự ra đi đột ngột của anh là nỗi đau không gì có thể bù đắp được, nhất là với hai đứa con thơ dại còn chưa hiểu chuyện đời.
Cùng hoàn cảnh với gia đình anh Hùng là gia đình anh Lâm Hữu Chính (SN 1978), trú tại xóm 7, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu. Anh Chính cũng là 1 trong những nạn nhân tử vong do vụ sập giàn giáo.
Được biết, gia đình anh Lâm Hữu Chính đang nuôi mẹ già 75 tuổi, vợ anh Chính là chị Chu Thị Kiều (SN 1979). Vợ chồng anh đã có 2 đứa con nhỏ, cháu đầu hiện đang học lớp 1 còn cháu thứ hai mới chưa đầy 4 tuổi. Anh Chính và mấy người anh em đã làm ở Vũng Áng được 2 năm. Sau một thời gian, mấy người anh em làm cùng xin về nghỉ phép, còn anh Chính ở lại làm thêm. Với đồng lương chưa đầy 10 triệu một tháng, anh Chính tích góp để gửi về nhà để vợ lo cho mẹ già và các con nhỏ. Hiện gia đình anh chị vẫn còn số tiền nợ hơn 100 triệu đồng. Tết vừa rồi về nhà, anh Chính cho hay, công việc hiện tại ở Hà Tĩnh cũng rất thuận lợi, tuy phải trèo cao, nắng mưa, nhưng thu nhập cũng khá. Anh cố gắng làm thêm ít năm nữa, khi công trình hoàn thành sẽ về với vợ con, tìm việc khác nhẹ nhàng hơn nhưng thật không ngờ lần trở về này, gia đình lại đón anh với thi thể lạnh toát.
Cả gia đình đau xót trước cái chết đột ngột của anh Chính |
Anh Lâm Hữu Chiến, em trai anh Chính cho biết: “Khoảng 7h tối, anh Chính có gọi điện về hỏi thăm sức khỏe gia đình. Nhưng đến tối cả nhà đang xem tivi thì nhận được tin sập giàn giáo ở Hà Tĩnh, gia đình tôi ai cũng cầu trời khấn phật mong cho anh không bị làm sao. Một lúc sau thì nhận được tin anh đã mất, cả nhà lặng lẽ chuẩn bị đưa thi thể anh về quê”.
Chiếc quan tài của chồng vừa được đưa xuống, chị Kiều như sụp đổ, rồi đây ai sẽ cùng chị chèo lái gia đình, chăm sóc các con. Tiếng khóc thảm thiết của người vợ trẻ khiến những người có mặt không cầm được nước mắt. Trong dòng nước mắt chạy dài, chị Kiều nức nở gọi tên chồng, “sao anh vội bỏ mẹ con em mà đi, giờ mẹ con em biết sống như thế nào khi vắng bóng anh đây!”.Cạnh đó hai cháu nhỏ là Yến Nhi và Nhật vẫn ngoan ngoãn nằm trong tay người thân của mình vì chưa cảm nhận được nỗi đau mà gia đình đang phải chịu. Nhìn mẹ khóc, hai cháu cũng òa lên khóc theo nhưng dường như sự ngây thơ khiến hai đứa trẻ chưa hiểu mình đang mất đi người cha.
Chị Kiều khóc nghẹn bên di ảnh của chồng |
Ông Trương Công Sửu, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Diễn Châu cho biết, hiện phòng cùng với chính quyền các địa phương có nạn nhân thương vong trong vụ sập giàn giáo ở công trường Formosa đã đến động viên, chia sẻ giúp các gia đình sớm vượt qua đau thương, mất mát.
Bao nhiêu dự định về tương lai của các nạn nhân giờ bỗng chốc trở nên hư vô với những ước mơ đang còn dang dở. Vì mưu sinh, người chồng, người cha của họ đã ra đi, không biết mai này tương lai của những người phụ nữ góa chồng, những đứa trẻ sớm mồ côi cha sẽ ra sao.
Trước đó, như báo Đời Sống và Pháp Luật đưa tin, vào khoảng 20h tối ngày 25/03/2015 tại cảng Sơn Dương thuộc dự án Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) xảy ra vụ sập giàn giáo làm 13 người chết và hàng chục người bị thương.