Các nhân viên cứu hộ tìm thấy nhiều loại tiền mặt với tổng giá trị khoảng 186.000 USD trong đống đổ nát sau vụ tai nạn máy bay khiến 97 người thiệt mạng.
Hiện trường vụ rơi máy bay tại một khu dân cư gần thành phố Karachi. Ảnh: AP |
Như đã đưa tin, hôm 22/5, chiếc máy bay mang số hiệu PK-8303 của hãng hàng không quốc tế Pakistan đã lao xuống một khu dân cư gần thành phố Karachi khiến 97 người thiệt mạng.
NDTV dẫn thông tin từ giới chức địa phương hôm 29/5 cho biết, các điều tra viên và nhân viên cứu hộ đã tìm thấy nhiều loại tiền mặt với tổng giá trị khoảng 186.000 USD trong đống đổ nát. Số tiền được tìm thấy nằm trong 2 chiếc túi.
“Chúng tôi chưa rõ lượng tiền mặt này vượt qua các lớp an ninh sân bay bằng cách nào. Một cuộc điều tra sẽ sớm được tiến hành”, quan chức này cho biết. “Quá trình xác định danh tính và hành lý của các nạn nhân đang được tiến hành. Tài sản của nạn nhân sẽ sớm được trao trả về cho gia đình”.
Trước khi hạ cánh ở sân bay quốc tế Jinnah, phi công trên chuyến bay PK-8303 thông báo cả hai động cơ đều gặp trục trặc, máy bay lao xuống khu dân cư tại thành phố Karachi, phá hủy hàng loạt ngôi nhà và làm nhiều người dưới mặt đất thiệt mạng.
Các lực lượng cứu hộ đã phải đào bới để tìm nạn nhân giữa những đống đổ nát, trong khi lính cứu hỏa dập lửa. Các nhân chứng cho biết phần mũi và thân máy bay đã bị phá hủy do cú đâm quá mạnh, máy bay nằm trong đống đổ nát giữa các tòa nhà. Nhiều thi thể được kéo khỏi máy bay trong khi vẫn thắt dây an toàn.
Việc máy bay mất 2 động cơ cùng lúc hiếm khi xảy ra và thường do thiệt hại trên đường băng hoặc vấn đề với cung cấp nhiên liệu. Các chuyên gia an toàn hàng không cho rằng việc phi công hạ cánh mà không mở càng hạ cánh là rất bất thường.
Phát ngôn viên của hãng hàng không Pakistan đã từ chối bình luận về thông tin mà các chuyên gia hàng không đưa ra. Phát ngôn viên của Airbus đã truy vấn chính quyền Pakistan về vấn đề nhưng không nhận được câu trả lời.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan nói rằng "vô cùng sốc và đau buồn", khẳng định nước này sẽ sớm điều tra vụ tai nạn. Sự cố xảy ra vài ngày sau khi Pakistan nối lại các chuyến bay thương mại sau thời gian dừng hoạt động vì lệnh hạn chế đi lại để ngăn Covid-19.
Trước đó, tai nạn hàng không thảm khốc nhất tại Pakistan xảy ra vào năm 2010, khi một chiếc Airbus A321 của hãng Airbule lao xuống ngoại ô thủ đô Islamabad, khiến 152 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ tai nạn này bắt nguồn từ lỗi của phi công.
Mộc Miên(Theo NDTV)