+Aa-
    Zalo

    Vụ người lao động ở Ả Rập kêu cứu: Cục QLLĐ ngoài nước sẽ đề nghị CA vào cuộc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan đến sự việc hàng loạt người lao động Ả Rập kêu cứu, đại diện của Cục QL LĐ Ngoài nước khẳng định sẽ có đề nghị Công an xử lý đơn vị môi giới là Tân Hoàng Minh.

    Liên quan đến việc hàng loạt người lao động tại Ả Rập kêu cứu, đại diện của Cục QL Lao động ngoài nước khẳng định sẽ có đề nghị Công an xử lý đơn vị môi giới là Tân Hoàng Minh.

    Trao đổi với PV, bà Trần Thị Vân Hà – Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền Cục QL Lao động ngoài nước cho biết , công ty Tân Hoàng Minh trên thực tế không có giấy phép tuyển dụng. Qua đó, bà Hà khẳng định, việc môi giới, tư vấn lao động xuất khẩu là hành vi trái phép. Tuy nhiên, Cục QL Lao động ngoài nước chỉ có chức năng xử phạt hành chính đối với các công ty trực thuộc Bộ LĐ Thương Binh  và Xã Hội quản lý, đối với các công ty bên ngoài thì sẽ có văn bản gửi CA xử lý hình sự về hành vi lừa đảo.

    Tân Hoàng Minh thực chất không có chức năng môi giới, tư vấn.

    “Trong sự việc trên, công ty Tân Hoàng Minh đã có dấu hiệu lừa đảo và có yếu tố hình sự. Cục QL Lao động ngoài nước sẽ có công văn gửi CA đề nghị hỗ trợ xử lý.” – Bà Hà nhấn mạnh.

    Bà Hà cũng phân tích, nhiều công ty không có chức năng đưa người sang nước ngoài lao động như Tân Hoàng Minh, nhưng lợi dụng kẽ hở để tuyển chọn lao động, các công ty này sẽ không đào tạo, định hướng và cung cấp thông tin đầy đủ về nghề. Đa số người lao động cũng rất vô trách nhiệm với bản thân, không hề quan tâm thỏa thuận qua công ty nào, không để ý đến hợp động dịch vụ và hợp đồng lao động như trường hợp lao động Nguyễn Thị Hòa. Khi xảy ra trường hợp kiện cáo còn có cơ sở, bằng chứng để bảo vệ quyền lợi bản thân.

    Người lao động thường không để ý hợp đồng và giấy tờ thỏa thuận.

    “Không quan tâm đến giấy tờ, hợp đồng việc làm là hành động phó mặc số phận cho người khác. Đây là đồng thuận với việc làm giấy tờ giả, như vậy sẽ có nhiều rủi ro cho bản thân nhất. Ở Ả Rập Xê Út, tư cách lưu trú của họ rất khác về mặt giấy tờ, không đảm bảo về mặt thủ tục là bất hợp pháp.”

    Đánh giá về thị trường XKLĐ, vị Trưởng phòng này thể hiện rõ sự lo lắng, người lao động hầu hết đã lớn tuổi, thiếu trách nhiệm với bản thân, ngôn ngữ giao tiếp thì không hoàn thiện nên dễ xảy ra mâu thuẫn với chủ nhà ở Ả Rập. Chi phí để một lao động sang làm việc ở Ả Rập đều do Chủ sử dụng (CSD) chi trả nên khi trở về sẽ gặp nhiều khó khăn. Thực tế, khi CSD bỏ tiền ra để thuê lao động, theo Luật của Ả Rập Xê Út thì khi lao động muốn trở về phải có lao động khác thay thế hoặc phải bồi thường các chi phí họ đã bỏ ra.

    Bà Hà cho biết thêm, quan điểm của Bộ LĐ TB & XH muốn hạn chế đưa lao động sang thị trường Ả Rập. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân nên không thể cấm được và chỉ có biện pháp thắt chặt quy trình của các công ty XKLĐ. Nghề giúp việc đang khá nhạy cảm và thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc phát sinh khiến cho đơn vị quản lý khó kiểm soát.

    Trước đó, như thông tin đã đưa, ông Lê Hồng Việt –  GĐ Công ty Nam Việt khẳng định, đơn vị môi giới tư vấn việc làm công ty CP du lịch dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh không có sự liên kết hợp đồng thỏa thuận nào với Nam Việt.

    Vị Giám đốc này cho rằng, đây là một hành vi “mạo danh” vì không có sự cho phép từ phía Nam Việt. Qua đó, Công ty Nam Việt sẽ có khiếu nại tới các cơ quan chức năng.

    Theo thông tin chúng tôi nhận được, liên quan đến sự việc lao động Nguyễn Thị Hòa kêu cứu trước đó, Cục QLLĐ Ngoài nước đã gửi hồ sơ và kiến nghị xử phạt công ty cổ phần Traenco là đơn vị xin visa lên thanh tra Bộ Lao Động TB & XH.

    Vụ việc lao động Nguyễn Thị Hòa ở Ả Rập Xê Út do công ty cổ phần Traenco (Bộ Giao thông Vận tải) là đơn vị đã tiếp nhận, đóng visa cho lao động Nguyễn Thị Hòa xuất cảnh nhưng lại không ký kết hợp đồng; công ty CP du lịch dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh là công ty đưa người lao động đi xuất khẩu lao động nhưng trên giấy tờ lại dùng hợp đồng của công ty Nam Việt.

    Vừa qua, chúng tôi tiếp tục nhận được đơn thư kêu cứu của hàng loạt lao động ở Ả Rập Xê Út, chị Trịnh Thị Huyền Trang (trú tại Hoàng Văn Thụ Phường 4 Quận Tân Bình) có mẹ ruột là bà Đào Thị Hải Kim (SN: 1972) được công ty Tân Hoàng Minh đưa đi xuất khẩu lao động vào ngày 9/1.

    Cùng nội dung phản ánh, chị Bùi Thị Kim Liên đã phải làm đơn lên báo chí về trường hợp em gái mình là chị Nguyễn Thị Thúy (SN1983, trú tại Xa Thay, Kon Tum) được đưa đi vào ngày 7/1.

    Ngày 15/2/2017, gia đình các nạn nhân đã đến công ty Tân Hoàng Minh yêu cầu gặp để giải quyết nhưng nhân viên trả lời muốn người lao động về nước phải cần có 79.000.000 là khoản tiền bồi thường hợp đồng.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

     

     

     

     

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-nguoi-lao-dong-o-a-rap-keu-cuu-cuc-qlld-ngoai-nuoc-se-de-nghi-ca-vao-cuoc-a182796.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan