(ĐSPL) - Liên quan tới vụ việc lao động Nguyễn Thị Hòa (SN 1967, Long Xuyên, An Giang) đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập-xê-út nhưng bị ngược đãi. Gia đình đã nộp 33 triệu đồng cho công ty CP du lịch dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh và giờ tiếp tục nhận được yêu cầu nộp thêm tiền để đưa bà Hòa về nước. Tuy nhiên, công ty Traenco có trách nhiệm chính trong việc đưa LĐ về nước lại khẳng định không có yêu cầu gì đối với người nhà nạn nhân.
Trách nhiệm của công ty đóng visa
Theo thông tin cung cấp từ người nhà lao động Nguyễn Thị Hòa, hợp đồng lao động của bà Hòa với công ty Nam Việt, nhưng hợp đồng không có chữ ký; con dấu và công ty Nam Việt phủ nhận việc ký kết hợp đồng với lao động Nguyễn Thị Hòa. Kết quả tra cứu trên trang điện tử của đại sứ quán Ả-rập-xê-út tại Việt Nam cho thấy công ty đóng visa là công ty cổ phần Traenco (Bộ Giao thông Vận tải).
Sau khi nhận được vụ việc, cục quản lý lao động ngoài nước đã có công văn yêu cầu công ty cổ phần Traenco giải trình về vụ việc, đưa ra hướng giải quyết, làm việc với các bên liên quan để chấm dứt việc người lao động bị ngược đãi và khẩn trường đưa người lao động về nước.
Ngày 15/12, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hải - Trưởng phòng Dịch vụ xuất khẩu lao động Cty Traenco - cho biết: "Phía công ty đã liên lạc và xác minh thông tin với các bên liên quan tại Ả-rập-xê-út về trường hợp lao động Nguyễn Thị Hòa. Hiện tại lao động vẫn an toàn và công ty đang tiến hành thủ tục xin visa cũng như các giấy tờ liên quan khác để đưa chị Hòa về nước".
Hỏi về thời gian chính xác lao động Nguyễn Thị Hòa về nước, chị Hải nói: "Vì lao động về trước thời hạn hợp đồng nên phải hoàn tất nhiều thủ tục. Công ty đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ trong tuần sau sẽ có kết quả chính thức".
Người nhà bị yêu cầu nộp tiền để đưa lao động về nước?
Theo thông tin từ người nhà lao động Nguyễn Thị Hòa cung cấp, mọi thủ tục, giấy tớ trước khi bà Hòa xuất cảnh đều do công ty Tân Hoàng Minh thực hiện. Đồng thời sau khi "trình" đơn kêu cứu, ông Cù Cao Cường - GĐ công ty cổ phần du lịch dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh đã yêu cầu gia đình nạn nhân nộp 33 triệu đồng tiền làm thủ tục, mua vé máy bay cho bà Hòa về nước.
Tin nhắn thoại ông Cù Cao Cường gửi cho gia đình nạn nhân - Ảnh: Người nhà cung cấp |
Không dừng lại ở đó, vào ngày 13/12, trao đổi với PV ông Phan Chí Cường (con trai bà Hòa) cho biết: Ngoài số tiền 33 triệu đồng, ông Cù Cao Cường còn yêu cầu gia đình tôi lên nộp thêm tiền vé cho lao động sang thay thế và tiền vé của lao động Nguyễn Thị Hòa về nước.
Theo tìm hiểu của PV, công ty Tân Hoàng Minh không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và trách nhiệm đưa người lao động về nước thuộc về công ty cổ phần Traenco theo yêu cầu của cục quản lý lao động ngoài nước.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hải - Trưởng phòng Dịch vụ xuất khẩu lao động Cty Traenco nhận định: "Thời điểm hiện tại công ty chưa tính phí hay yêu cầu người nhà nộp bất cứ khoản chi phí nào. Với tinh thần trách nhiệm của đơn vị đóng visa, trước mắt mọi chi phí đưa chị Hòa về nước công ty sẽ chi trả, điều quan trọng là để chị Hòa về nước an toàn."
IV. Về quản lý lao động và giải quyết vấn đề phát sinh (Công văn Số: 4644/LĐTBXH-QLLĐNN) V/v chấn chỉnh việc đưa lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út 1. Cán bộ quản lý phải thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động; báo cáo định kỳ và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Ban quản lý lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út. Khi cử mới hoặc thay thế cán bộ quản lý, doanh nghiệp phải báo cáo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út (kèm theo địa chỉ, số điện thoại liên lạc tại Ả-rập Xê-út) để Ban xác nhận và gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước. 2. Khi người lao động hoặc thân nhân có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng về quyền và lợi ích theo hợp đồng mà người lao động đã ký với doanh nghiệp và với chủ sử dụng lao động tại Ả-rập Xê-út thì doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu cán bộ quản lý tại Ả-rập Xê-út kiểm tra, xác minh và báo cáo phương án giải quyết trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của các cơ quan chức năng và giải quyết khiếu nại trong thời gian 45 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của các cơ quan chức năng. Trường hợp khiếu nại/vụ việc vượt quá thẩm quyền giải quyết của doanh nghiệp, doanh nghiệp phải báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út và các cơ quan chức năng liên quan khác để được hỗ trợ giải quyết. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Tuấn Dũng