Trước những thông tin hàng loạt người lao động ở Ả Rập Xê Út kêu cứu vì bị ngược đãi, đơn vị xin visa khẳng định công ty môi giới đã mạo danh gây hậu quả nghiêm trọng cho người lao động.
Sau khi đăng tải loạt bài sự việc “Người lao động đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập-xê-út bị ngược đãi, bỏ đói...”, bà Nguyễn Thị Hòa đã được đơn vị đóng visa là Công ty CP Traenco kết nối và đưa về nước. Chúng tôi tiếp tục nhận được thêm đơn kêu cứu của nhiều độc giả có người thân đang XKLĐ ở Ả Rập.
Cụ thể, chị Trịnh Thị Huyền Trang (trú tại Hoàng Văn Thụ Phường 4 Quận Tân Bình) có mẹ ruột là bà Đào Thị Hải Kim (SN: 1972) được công ty Tân Hoàng Minh đưa đi xuất khẩu lao động vào ngày 9/1. Trong hợp đồng kí kết có ghi rõ một ngày lao động 8-9h/ ngày với thu nhập một tháng ít nhất là 1.500.000 SAR/ tháng (tương đương với hơn 9 triệu VNĐ) nhưng từ khi sang Ả Rập đến nay đã gần hai tháng bà Kim vẫn chưa được nhận lương lao động và phải làm việc từ 4-5h sáng đến 21-22h đêm.
Cùng nội dung phản ánh, chị Bùi Thị Kim Liên đã phải làm đơn lên báo chí về trường hợp em gái mình là chị Nguyễn Thị Thúy (SN1983, trú tại Xa Thay, Kon Tum) được đưa đi vào ngày 7/1.
Hàng loạt đơn kêu cứu của người lao động bên Ả Rập. |
Trao đổi với PV, người nhà cho biết, hiện tại tinh thần của các lao động hiện nay có tâm trạng lo sợ vì phải làm việc quá nhiều và đánh đập. Cuộc sống hằng ngày khác hẳn với viễn cảnh tươi đẹp theo những lời tư vấn trước khi đi lao động.
“Hằng ngày mẹ tôi phải lao động vất vả 14 - 15h, chỉ được ăn một bữa, tay mẹ tôi do lao động nhiều với hóa chất tẩy rửa dẫn đến bị thương nhưng chủ nhà vẫn bắt làm việc không cho nghỉ ngơi nếu không sẽ bị đánh đập. Trước đó, vừa sang nước bạn, sau khi chủ nhà đón thì liền tịch thu điện thoại của mẹ tôi mang từ Việt Nam sang để liên lạc về với gia đình, hằng ngày sau giờ làm việc mẹ tôi được trả điện thoại để nói chuyện 5 phút. Tinh thần của mẹ tôi rất sợ và đã liên hệ với giám đốc công ty là ông Hoàng Nhật Cường. Nhưng ông ấy trả lời rằng:”Ai tốt với em, thì em giúp đỡ còn với chị là người xấu em cũng chẳng thèm giúp làm gì.” – Trích đơn phản ánh của chị Trang.
Ngày 15/2/2017, gia đình các nạn nhân đã đến công ty Tân Hoàng Minh yêu cầu gặp để giải quyết nhưng nhân viên trả lời muốn người lao động về nước phải cần có 79.000.000 là khoản tiền bồi thường hợp đồng.
Ông Hoàng Nhật Cường – TGĐ Công ty CP du lịch dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh cho biết, Tân Hoàng Minh chỉ là đơn vị tư vấn và giới thiệu việc làm còn đơn vị chịu trách nhiệm đưa đi, ký hợp đồng ở ngoài Hà Nội. Đơn vị chịu trách nhiệm xin visa cho nhưng người lao động trên là Công ty Cổ phần đầu tư và Hợp tác Quốc tế Nam Việt. Tất cả các khiếu nại cần xử lý, Tân Hoàng Minh sẽ báo lại với công ty đóng visa cho người lao động.
Điều trùng hợp là công ty CP du lịch dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh và người lao động Ả rập kêu cứu cũng chính là 2 đơn vị đã được báo chí phản ánh về những "khuất tất" trong vụ việc của bà Nguyễn Thị Hòa.
Trên website http://tanhoangminh.xyz/ của Tân Hoàng Minh để rõ thông tin “Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài” và “Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện” của Công ty Nam Việt.
Website của Tân Hoàng Minh.
|
Ông Lê Hồng Việt – GĐ Công ty Nam Việt cho biết, đơn vị môi giới tư vấn việc làm công ty CP du lịch dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh không có sự liên kết hợp đồng thỏa thuận nào với Nam Việt.
Vị Giám đốc này cho rằng, đây là một hành vi “mạo danh” vì không có sự cho phép từ phía Nam Việt. Qua đó, ông này khẳng định Công ty Nam Việt sẽ có khiếu nại tới các cơ quan chức năng.
“Tân Hoàng Minh chỉ là đơn vị có chức năng dịch vụ về du lịch, nên việc tư vấn tuyển chọn xuất khẩu cũng là không đúng. Việc lấy danh nghĩa công ty Nam Việt là hành động mạo danh.” – ông Việt nhận định.
Thông tin từ ông Lê Hồng Việt, ngày 30/11/2016, Công ty CP Đầu tư và Hợp tác quốc tế Nam Việt đã có công văn gửi Phòng PC 45 Công an TPHCM về việc điều tra theo đơn kêu cứu của người lao động và Công ty CP du lịch dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh đã mạo danh để tổ chức tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Công văn gửi PC 45 của Nam Việt. |
Trong công văn cũng nêu rõ, “Ông Cù Cao Cường không phải là nhân viên của Công ty CP Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Nam Việt kể từ ngày 20/3/2016, việc ông Cù Cao Cường lấy danh nghĩa Cty CP Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Nam Việt để tuyển chọn và tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu tiền của người lao động là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới uy tín của công ty Nam Việt và gây hậu quả nghiêm trọng cho người lao động.”
Đại diện Cục quản lý người lao động ngoài nước cho biết đang tiếp nhận thông tin của các nạn nhân để xác minh sự việc.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Trước đó, thông tin chúng tôi đã đưa vụ việc lao động Nguyễn Thị Hòa ở Ả Rập Xê Út do công ty cổ phần Traenco (Bộ Giao thông Vận tải) là đơn vị đã tiếp nhận, đóng visa cho lao động Nguyễn Thị Hòa xuất cảnh nhưng lại không ký kết hợp đồng; công ty CP du lịch dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh là công ty đưa người lao động đi xuất khẩu lao động nhưng trên giấy tờ lại dùng hợp đồng của công ty Nam Việt. |
Tuấn Dũng