(ĐSPL) - Gần tròn hai năm vụ án liên quan đến Ngân hàng Xây dựng được phanh phui. Hiện giai đoạn II của vụ án đang được Cơ quan CSĐT gấp rút điều tra mở rộng.
Liên quan đến vụ án này, tin tức đăng tải trên báo Dân trí cho hay, mới đây, Văn phòng Trung ương Đảng đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu các Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bí thư Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Bí thư Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan chức năng và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, sớm kết thúc để nhanh chóng đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật.
Phạm Công Danh gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (Ảnh: HNM) |
"Trong quá trình xử lý, cần tuân thủ theo quy định của pháp luật, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội", Công văn truyền đạt chỉ đạo nhấn mạnh.
Đánh giá rất cao quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về yêu cầu sớm đưa vụ án ra xét, Luật sư Trần Viết Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Lý Hà Nội nhận định: “Điều này thể hiện sự quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh đẩy lùi tội phạm kinh tế, làm trong sạch môi trường ngân hàng”.
Trong quá trình điều tra vụ án Phạm Công Danh cũng như các vụ án khác trong những năm gần đây, Bộ Công an và các cơ quan điều tra đã luôn tiến hành khẩn trương, quyết liệt, đưa ra truy tố nhiều loại tội phạm cộm cán, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, không khoan nhượng với bất cứ loại tội phạm nào … vì vậy lực lượng công an được người dân tin tưởng, rất phấn khởi, Luật sư Hưng đánh giá.
Đồng quan điểm này, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: “Việc Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương điều tra, sớm kết thúc để nhanh chóng đưa vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm ra xét xử cho thấy quyết tâm làm trong sạch bộ máy, giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng”.
“Tôi hy vọng vụ án sẽ sớm được đưa ra xét xử công khai, minh bạch. Những kẻ sai phạm phải chịu hình phạt thích đáng để làm gương cho những ai cậy có quyền chức làm trái pháp luật. Đồng thời, từ vụ án này cũng cần rút kinh nghiệm đối với các cơ quan liên quan tại sao để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như vậy?”, Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý Hà Nội đề nghị.
Còn bà Bùi Thị An bày tỏ quan điểm: “Sai đến đâu xử lý đến đấy. Cần minh bạch rõ ràng, đúng luật pháp. Đừng nửa vời!”.
Được biết, thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn thể hiện sự quyết liệt trong xử lý các sự việc tiêu cực.
Báo Vnexpress thông tin, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) có 23 năm hoạt động. Tháng 5/2013, Tập đoàn Thiên Thanh cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung ưu tiên phục vụ lĩnh vực xây dựng với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định, sau khi tái cấu trúc, ngân hàng này bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước đặt tại đây. Tuy nhiên, trong thời gian là Chủ tịch HĐQT, ông Danh đã lợi dụng việc nắm quyền chi phối chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các Chi nhánh VNCB.
Cụ thể, khoảng tháng 5/2013, ông Danh chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và nhiều thuộc cấp khác tạo hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng, nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của ngân hàng vượt quá 50\% vốn điều lệ, rút tiền trên 5 tỷ đồng mà không báo cáo Tổ giám sát.
Giữa năm 2013 và đầu 2014, ông Danh chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng khống thuê mặt bằng với hai công ty của mình để chuyển hơn 600 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được chuyển lòng vòng qua các tài khoản cá nhân rồi rút ra trả nợ cho 6 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và tiền chăm sóc khách hàng.
Cáo trạng thể hiện, từ cuối năm 2012 đến tháng 7/2013, ông Danh chỉ đạo dàn lãnh đạo cấp dưới lập hồ sơ cho nhóm của Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm, giải ngân hơn 17.700 tỷ đồng vào tài khoản của Bích tại VNCB. Trong đó hơn 16.260 tỷ đồng đã được chuyển lại vào tài khoản của Chủ tịch Danh.
Có tiền, ông Danh chuyển trả Bích hơn 9.600 tỷ đồng để tất toán các khoản vay trước đó, trả cho nhóm Phú Mỹ hơn 2.000 tỷ đồng, hơn 4.500 tỷ còn lại chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản cá nhân và công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh để trả nợ, đảo nợ.
Đến thời điểm khởi tố vụ án, các khoản vay này đã xong thủ tục tất toán. Tuy nhiên, trong vòng vài ngày cuối tháng 8/2013, số tiền gần 5.200 tỷ đồng đã bị rút khỏi VNCB từ tài khoản của Bích nhưng không có chứng từ, chữ ký của chủ tài khoản. Số tiền này sau đó được chuyển đến tài khoản của chủ tịch Danh và ông rút ra để chi tiêu nhưng không giải trình được sử dụng vào việc gì.
Vào tháng 5/2013, dù báo cáo tài chính năm 2012 không có lãi, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án trọng điểm Khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng, nhưng ông Danh vẫn chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu. Sau đó bán 1.000 trái phiếu cho 3 công ty thông qua Quỹ Lộc Việt. Sau khi phát hành trái phiếu, ông Danh tiếp tục chỉ đạo cấp dưới ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 900 tỷ đồng để đầu tư mua 900 trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh từ nguồn tiền của ngân hàng VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng.
Ngoài ra, theo cơ quan điều tra, trong thời gian từ cuối năm 2012 đến tháng 3/2014, cần tiền trả nợ cho các cá nhân và ngân hàng khác, Danh đã chỉ đạo đồng phạm sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân của công ty đối tác làm hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống; lập các biên bản họp HĐQT khống, định giá nâng giá các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất tại TP Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo vay 5.000 tỷ đồng của VNCB.
Danh chỉ đạo cho 15 nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh rút 4.700 tỷ đồng tiền vay để trả nợ cho Ngân hàng BIDV, nhóm Phũ Mỹ, nhóm của Trần Ngọc Bích. Số còn lại hơn 1.465 tỷ đồng Danh khai chi cho việc chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể.
Sau khi thẩm định lại giá trị hai lô đất mà Danh sử dụng để vay thế chấp 5.000 tỷ đồng và cấn trừ, VNCB xác định bị thiệt hại thêm khoảng hơn 2.000 tỷ.
Như vậy, tổng cộng trong vụ án này, Danh cùng đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng xây dựng Việt Nam.
Cũng theo báo Dân trí, đánh giá đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, trong quá trình điều tra có nhiều khó khăn, vướng mắc nên Lãnh đạo Bộ Công an cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Cơ quan CSĐT tập trung lực lượng điều tra, làm rõ những nội dung trong giai đoạn II của vụ án với yêu cầu hoàn tất điều tra trong thời gian sớm nhất.
Theo thông tin mới nhất, TAND TP.HCM, ngày 19/7 tới đây, sẽ đưa vụ “đại án” Ngân hàng xây dựng ra xét xử sơ thẩm.