Theo thông tin trên báo Thanh Niên, cam kết của chính phủ Malaysia trong việc tiết lộ nguyên nhân vụ mất tích của chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị một nhà điều tra nổi tiếng về thảm kịch nghi ngờ.
Số phận của chiếc máy bay này hiện vẫn chưa rõ ràng, bất chấp những đề xuất gần đây về các khu vực tìm kiếm mới, cũng như sự háo hức bày tỏ của công ty công nghệ hàng hải Ocean Infinity có trụ sở tại Mỹ trong việc triển khai các tàu không người lái.
Cụ thể, kỹ sư hàng không vũ trụ người Anh Richard Godfrey - Trưởng nhóm điều tra độc lập, đồng tác giả nghiên cứu sử dụng công nghệ Trình báo cáo truyền tín hiệu yếu (Weak Signal Propagation Reporter technology) để lập bản đồ đường bay của máy bay, đã gọi phản hồi từ chính quyền là đáng nghi ngờ.
"Theo quan điểm của tôi, chính phủ Malaysia không muốn có thêm một cuộc tìm kiếm dưới nước nào nữa để tìm mảnh vỡ của MH370", kỹ sư hàng không vũ trụ Godfrey chia sẻ với tờ Sydney Morning Herald của Australia.
Đồng thời, ông chỉ ra sự thiếu sẵn sàng chi tiền cho nỗ lực nói trên. Trao đổi với tờ Sydney Morning Herald, ông Godfrey cho hay các mảnh vỡ của máy bay MH370 được đồng nghiệp Blaine Gibson bàn giao năm 2022 vẫn bị mắc kẹt ở Madagascar do đang vướng việc trả phí vận chuyển hàng không để hồi hương mảnh vỡ này, theo thông tin trên báo Lao Động.
Hai báo cáo riêng biệt trong 4 tháng qua đã đề xuất các khu vực tìm kiếm mới ở phía Nam Ấn Độ Dương cho chiếc Boeing 777 mất tích vào ngày 8/3/2014 cùng với 239 người trên máy bay.
Tuy nhiên, bất kỳ cuộc tìm kiếm mới nào với máy bay mất tích cũng chưa thể được thực hiện ngay nếu chính phủ Malaysia không “bật đèn xanh” cho triển khai. Quỹ đầu tư quốc gia của Chính phủ Malaysia có quyền sở hữu hãng hàng không Malaysia Airlines.
Đáng chú ý, theo News.com.au, nhóm của ông Godfrey đã trình bày những phát hiện về “bằng chứng mới đáng tin cậy”, cho thấy MH370 có thể đã rơi xuống một vùng biển rộng lớn cách Perth (Australia) khoảng 1.500km về phía Tây. Cuộc tìm kiếm MH370 trước đó chỉ tìm kiếm được khoảng một nửa khu vực này.
Một nhóm điều tra khác do phi công không quân Pháp đã nghỉ hưu Patrick Blelly và chuyên gia hàng không Jean-Luc Marchand dẫn đầu cũng đã đề xuất một khu vực chưa được khám phá dưới đáy biển có thể tìm kiếm ra chiếc máy bay trong vòng 10 ngày.
Trong khi đó, ngư dân đã nghỉ hưu Kit Olver tiết lộ lưới đánh cá của ông đã kéo được phần cánh của một máy bay phản lực lớn ngoài khơi bờ biển Nam Australia vào cuối năm 2014. Theo ông Peter Waring - chuyên gia khảo sát đáy biển, thông tin của ngư dân Olver đáng để điều tra thêm.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về số phận của máy bay MH370 như máy bay bị cướp, máy bay đã đáp xuống căn cứ quân sự của Mỹ ở Diego Garcia… Các phân tích gần đây nghiêng về giả thuyết hợp lý hơn khi cho rằng một phi công giàu kinh nghiệm đã cố tình hạ máy bay, theo thông tin trên báo Thanh Niên.
Ông Marchand không trực tiếp cáo buộc cơ trưởng phi công MH370 Zaharie Ahmad Shah, đồng thời lưu ý rằng ông và ông Blelly không thể bị loại trừ khỏi trách nhiệm về "chuyến hành trình một chiều gây tử vong được điều khiển hoàn toàn".
Bất chấp những diễn biến này, ông Godfrey nhấn mạnh việc chính phủ Malaysia thiếu phản hồi đối với nhiều giấy tờ và thông tin khác nhau do nhóm của ông trình bày.
XEM THÊM: Chuyến bay hỗn loạn vì “vị khách đặc biệt” nằm chình ình trên khoang hành lý
Chính phủ Malaysia, trước đây đã tuyên bố sẵn sàng mở lại cuộc tìm kiếm nếu có thông tin mới hấp dẫn, đã không bình luận về những thông tin trên Sydney Moring Herald.
Cục An toàn Giao thông Úc (ATSB) dẫn đầu cuộc tìm kiếm ban đầu, bao trùm 120.000 km2 đáy biển với chi phí 200 triệu USD trước khi cuộc tìm kiếm bị dừng lại vào năm 2017.
Tới năm 2018, Ocean Infinity đã tiến hành hoạt động tìm kiếm MH370 của riêng công ty này. Giám đốc điều hành của Ocean Infinity Oliver Plunkett bày tỏ hy vọng rằng đội ngũ giàu kinh nghiệm và robot hàng hải của họ sẽ được hướng dẫn tìm kiếm trở lại vào năm 2024. Ông cũng nhấn mạnh các kế hoạch tìm kiếm MH370 phải rõ ràng.
Đinh Kim(T/h)