+Aa-
    Zalo

    Vụ chiếm đất lòng hồ Ia Mơ: Bí mật cuộc điện thoại hé lộ người thao túng gần 30ha đất lòng hồ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bà Lý "đầu nậu" thao túng gần 30 héc ta đất lòng hồ Ia Mơ cho dân bản xứ thuê trục lợi thừa nhận, để làm được như vậy bà đã đặt vấn đề và được xã, lâm trường hậu thuẫn.

    Bà Lý "đầu nậu" thao túng gần 30 héc ta đất lòng hồ Ia Mơ cho dân bản xứ thuê trục lợi thừa nhận, để làm được như vậy bà đã đặt vấn đề và được xã, lâm trường hậu thuẫn. Bà Lý đưa xe ben, máy múc hì hục cả 10 ngày trời mở một con đường to như mặt đập. Nếu xã, lâm trường không cho, sao bà làm được lộ thiên như thế?

    Liên quan đến bài viết mà báo Đời sống & Pháp luật đã phản ánh "Đầu nậu cho dân nghèo thuê đất công để trục lợi", hiện tại, cơ quan chức năng liên quan của huyện Chư Prong, tỉnh Gia Lai đã vào cuộc xác minh, làm rõ bước đầu người phụ nữ tên Lý chiếm dụng 27,5 héc ta đất lòng hồ Ia Mơ, chiếm đoạt số tiền ước tính ban đầu là 680 triệu. Theo cán bộ ban quản lý lòng hồ Ia Mơ, hiện nay bà Lý đã rời khỏi địa phương đi đâu không ai biết.

    Quá trình xác minh ông Nguyễn Văn Hòa, Phó ban Quản lý dự án thủy lợi Ia Mơ cung cấp cho PV một bản hợp đồng viết tay người dân thuê của bà Lý 15 héc ta (giá 20 triệu / héc ta).

    Hàng chục lán trại của người dân dựng lên tại lòng hồ để trồng dưa.

    Ở một diễn biến khác, vào thời điểm trước đó tấp nập đoàn người, xe tải nối đuôi nhau từ tỉnh Bình Định ồ ạt tràn vào khu vực lòng hồ Ia Mơ, xã Ia Mơ huyện Chư Prông dựng lán trại để trồng dưa, PV có dịp tiếp cận và ghi nhận.

    Qua thông tin, số điện thoại từ chính những người dân trồng dưa cung cấp, PV tìm đến, tiếp cận nhà bà Lý "đầu nậu" cho thuê đất.

    Lần theo thông tin được cung cấp, PV trong vai một người dân thuê đất tìm đến nhà bà Lý ở xã IaPúch, sát bên cạnh đội 14, công ty cao su Bình Dương đặt vấn đề thuê.

    Tại đây, một người giới thiệu là con trai của bà Lý ra tiếp chuyện cho biết, hiện tại bà không có ở nhà. Sau vài ba câu xã giao bắt chuyện, PV vào chủ đề được người dân trong khu vực lòng hồ giới thiệu đến đây gặp bà Lý để thuê đất trông dưa.

    Sau đó, người thanh niên lấy điện thoại bấm số của bà Lý nói: "Mẹ hả, có mấy người tìm đến nhà mình hỏi thuê đất trồng dưa".

    Và, PV được trực tiếp kết nối với bà Lý để đặt vấn đề.
    Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện của PV với bà Lý qua điện thoại:

    Mở đầu câu chuyện, bà Lý hỏi PV: "Muốn thuê khoảng bao nhiêu héc ta?".

    PV: "Cháu muốn thuê khoảng từ 15- 20 héc ta để trồng dưa xuất khẩu sang Trung Quốc".

    Bà Lý: "Được, nhưng cô báo trước đất của cô cho thuê là giá 20 triệu/héc ta. Đất của cô nằm ngay miệng đập rất "sốt" năm nay có rất nhiều người đã đặt cọc nên "đắt như tôm tươi".

    Đất lòng hồ này là loại đất cát đen lại nằm ngay vị trí đắc địa "miệng đập" trồng dưa rất là tốt, 20 triệu/héc ta là giá cực kỳ rẻ đó, không bớt đâu.

    Thời điểm này là ít, vài hôm nữa những người thuê đất đã đặt cọc từ Bình Định lên còn nhiều nữa không phải nhiêu đây đâu. Nếu Cháu thuê 20 héc ta thì mai cô về đặt cọc trước 1/2 tiền, hôm nào chở đồ đạc lán trại lên đưa nốt phần còn lại thì nhận đất làm".

    PV: Đất này thuộc sở hữu của gia đình cô rồi cho thuê hay lại hay sao?.

    Bà Lý: "Không phải đây là đất của xã của huyện quản lý, nhưng không sao đâu năm trước cô cũng cho thuê rồi".

    PV: "Nếu lỡ xuống giống dưa mọc lên rồi chính quyền vào cuộc thì phải làm sao"?.

    Bà Lý khẳng định: "Không sao đâu, cô đã thông qua xã, giám đốc lâm trường hết rồi nếu không thông qua họ một mình cô sao làm được như vậy.

    Trồng dưa phải có đường để cho xe tải vào lòng hồ, vừa rồi cô đưa cả xe ben, máy múc hì hục cả 10 ngày trời mở một con đường to như mặt bờ đập. Nếu không thông qua xã, lâm trường ai mà để cho mình làm như vậy. Cứ thuê đất làm đi có chuyện gì cô chịu trách nhiệm".

    Dù với ai đến thuê, bà Lý cũng khẳng định "có chuyện gì sẽ chịu trách nhiệm", nhưng hiện hàng chục hộ dân khăn gói từ tỉnh Bình Định dựng lán trại trồng dưa tại lòng hồ đang rất hoang mang "như ngồi trên đống lửa", bởi "đầu nậu" đã ôm tiền bỏ trốn. Đoàn xe chở đồ đạc của người dân từ Bình Định lên lòng hồ Ia Mơ để trồng dưa. Trong khi đó, họ phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu thuê đất chưa kể công cán, giống, phân bón.

    Vậy để xảy ra tình trạng này liệu có hay không các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đầu nậu. Và ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

    Liên quan đến vấn đề này, PV đã liên lạc với ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông để nắm thêm thông tin.

    Ông Dũng cho biết, sau khi nắm được thông tin huyện đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan, cơ quan công an huyện vào cuộc xác minh.

    "Hiện, cơ quan công an huyện đã xác minh làm rõ và có kết quả báo cáo về huyện. Tuy nhiên tôi đang bận họp sẽ thông tin lại với PV sau", ông Dũng nói.

    Báo Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

    Hồ Nam

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 149

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-chiem-dat-long-ho-ia-mo-bi-mat-cuoc-dien-thoai-he-lo-nguoi-thao-tung-gan-30ha-dat-long-ho-a303619.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan