Theo phân tích pháp lý của luật sư thì vụ chuyển nhượng đất công nếu có dấu hiệu sai phạm thuộc phạm vi dân sự thì phải khởi kiện ra tòa để đòi quyền lợi.
Mới đây, ban thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã họp khẩn cấp và chỉ đạo yêu cầu công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận phải đàm phán với công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng liên quan đến chuyển nhượng đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh.
Dự án khu dân cư Phước Kiển được cho là chuyển nhượng với giá rẻ mạt. |
Sở dĩ, Thành ủy TP.Hồ Chí Minh có chỉ đạo trên là bởi đơn vị này cho rằng việc ký kết hợp đồng không đúng theo quyết định số 1087-QĐ/TU ngày 31/3/2009 của ban thường vụ Thành ủy về ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH MTV thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố.
Theo tìm hiểu của PV, công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận có 100% vốn thuộc Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Ngày 5/6/2017 công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng phần đất công rộng 324.971m2 tại Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè theo hợp đồng 203/HĐKT/2017 cho công ty Quốc Cường Gia Lai. Giá chuyển nhượng hợp đồng trên chỉ là 1.290.000 đồng/m2.
Trong khi đó, giá chuyển nhượng đất trên thị trường ở địa bàn này thời điểm ấy cao hơn nhiều lần giá chuyển nhượng của công ty Tân Thuận. Việc này được cho là có dấu hiệu gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Liên quan đến sự việc trên, chia sẻ với PV Người Đưa Tin, Thạc sĩ, Luật sư Cồ Lê Huy, giám đốc công ty Luật TNHH Đại Việt cho biết: “Nếu giá chuyển nhượng đất công thấp hơn so với giá thị trường thời điểm ấy quá nhiều là điều hết sức vô lý. Trong khi đó, chuyển nhượng đất công phải có cơ sở, có hội đồng định giá theo quy định của pháp luật chứ không thể tùy tiện đưa giá bao nhiêu thì đưa”.
Luật sư Cồ Lê Huy trao đổi với PV về sự việc trên. |
“Hơn nữa, nếu chuyển nhượng đất công mà gây thất thoát tài sản của Nhà nước quá nhiều thì cần phải xem xét thật kỹ. Xét theo yêu cầu của Thành ủy thì hai bên tự thương lượng với nhau để hủy, hoặc đương nhiên hợp đồng trên bị vô hiệu. Nếu như Quốc Cường Gia Lai là nạn nhân thì có thể kiện ngược lại công ty Tân Thuận ra tòa. Nếu hợp đồng vô hiệu mà thuộc dân sự thì tài sản của ai trả về người đấy. Thành ủy đã có xác định gây thất thoát tài sản Nhà nước, thì hợp đồng trên có khả năng che giấu mối quan hệ khác”, luật sư Huy cho biết thêm.
Cũng theo luật sư Cồ Lê Huy, trong trường hợp việc ký hợp đồng trên gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và trái quy định thì sẽ xem xét trách nhiệm đối với những người cố ý làm trái quy định Nhà nước.
Luật sư Huy phân tích: “Trong trường hợp công ty Tân Thuận cho rằng việc ký hợp đồng sai quy định là do lỗi từ đơn vị kỹ thuật khi đo đạc, định giá thì có thể kiện ra tòa để đòi quyền lợi. Nói chung, nếu hai đơn vị chuyển nhượng không thể thương lượng thì muốn hủy hợp đồng phải ra tòa mới giải quyết được vấn đề”.
“Tuy nhiên, khách quan mà nói từ mấy nghìn tỷ chuyển qua chuyển nhượng có mấy trăm tỷ là thấy có sự tùy tiện chuyển nhượng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hơn nữa, là một doanh nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất công, thấy giá rẻ bất ngờ thì doanh nghiệp đó cần phải đặt dấu hỏi để tìm hiểu xác định kỹ nguyên do vì sao”, Luật sư Huy nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch HĐTV công ty Luật Basico cũng nhận định: "Không khó để thấy có khuất tất trong vụ việc chuyển nhượng này. Cần phải làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu. Thực ra quản lý yếu kém để thất thoát tài sản nhà nước, mà nhiều nhất là đất đai đã diễn ra từ lâu. Bắt nguồn từ cơ chế thiếu thống nhất của doanh nghiệp Nhà nước”.
"Thương vụ bán dự án Khu dân cư Phước Kiển giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai, nếu xuất hiện yếu tố hình sự (tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...) thì song song với xử lý về mặt hình sự, hợp đồng kinh tế giữa Công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai cũng có thể bị huỷ bỏ", Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Theo Người Đưa Tin