(ĐSPL) - “Chúng tôi biết loại hình hợp đồng mà nhà trường ký với giáo viên là sai, nhưng không biết làm thế nào cho đúng” – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Bắc Giang cho biết.
Nhà trường biết là sai...
Liên quan đến những phản ánh của tập thể giáo viên trường Cao đẳng nghề Bắc Giang về quyền lợi của gần 50 cán bộ, giảng viên nhà trường, như các chế độ bảo hiểm, phụ cấp, mức lương dành cho người lao động... đại diện lãnh đạo trường cho biết đó là những "tồn tại lịch sử", nhưng "không thể giải quyết được vì khả năng không cho phép".
Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Phép luật, ông Vũ Ngọc Hưng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, trường Cao đẳng nghề Bắc Giang cho biết: Những đối tượng ký hợp đồng này tồn tại từ lâu và khó có thể thay đổi được. Hợp đồng này là những bất cập, khó khăn mà nhà trường muốn làm nhưng khả năng không cho phép.
Theo ông Hưng, trường là đơn vị hành chính sự nghiệp hoạt động tự chủ, việc chi trả lương và phụ cấp cho giáo viên phụ thuộc vào kinh phí từ số lượng học sinh đào tạo hàng năm. Trước kia, việc chi trả không khó khăn vì tuyển được nhiều học sinh. Nhưng từ năm 2009 trở lại đây mỗi năm trường chỉ tuyển được 200 học sinh nên phải cắt bớt những chế độ cho giảng viên.
|
Ông Vũ Ngọc Hưng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, trường Cao đẳng nghề Bắc Giang. |
“Về những khoản phụ cấp đối với giáo viên trước đây vẫn có, chỉ không được giải quyết từ khi trường chuyển sang hoạt động tự chủ. Việc không có dụng cụ bảo hộ lao động, chỉ được hưởng 70\% tiền thưởng so với giáo viên biên chế là theo sự ký hết hợp đồng quy định của nhà trường cho từng đối tượng. Nhà trường chỉ có thể đóng bảo hiểm cho các đối tượng hợp đồng 12 tháng và đang cố gắng xây dựng mức lương mới, còn không thể nâng lương theo cấp bậc được”, ông Hưng nói.
Hiện nay tổng số học sinh của trường có khoảng trên 1.000 học sinh, số học sinh học tại trường chỉ có 300 học sinh, còn lại ở các trung tâm dạy nghề huyện, có nhiều lớp còn phải bỏ không...cho mối mọt gặm!
Theo sự giải thích của ông Hưng thì hiện nay những cán bộ giáo viên ký hợp đồng ngắn hạn (3 tháng) vẫn phải chịu cảnh không được đóng bảo hiểm và một năm có tới 4 lần ký hợp đồng. Còn những cán bộ giáo viên ký hợp đồng dài hạn (12 tháng) thì không được xét nâng bậc lương từ năm 2009 và bị cắt phụ cấp từ năm 2013, trong đó, nhiều giáo viên đã công tác cả chục năm tại trường.
Điển hình như anh Nguyễn Công Thêm (SN 1980), giáo viên Khoa Công nghệ ôtô, anh Thêm đã công tác tại trường từ năm 2005 đến nay. Trong thời gian đó, anh đã ký tổng cộng 15 hợp đồng bao gồm cả 2 loại hợp đồng (3 tháng/lần và 12 tháng/lần).
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Công Thêm cho biết, chỉ riêng trong khoảng thời gian từ năm 2005-2007, anh Thêm ký tới 8 hợp đồng ngắn hạn 3 tháng. Trước năm 2009 anh vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi của người lao động về lương, phụ cấp, tiền thưởng, bảo hiểm… Nhưng từ năm 2009 anh ký hợp đồng mới và không được nâng lương, bị cắt phụ cấp đối với giáo viên.
“Mặc dù số lượng giáo viên phải hợp đồng là lớn như vậy nhưng nhà trường vẫn tuyển thêm giáo viên hợp đồng”, anh Thêm thắc mắc.
Nhưng không biết làm sao cho đúng...?!
Giải thích về những sự việc nêu trên, ông Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Bắc Giang cho biết: Trong trường hiện có 76 cán bộ, giáo viên biên chế, 27 người hợp đồng 12 tháng và hơn 20 người hợp đồng 3 tháng. Việc này đã tồn tại là lịch sử của trường vì nguồn vốn có hạn nên nhà trường không thể trả đầy đủ lương thưởng cho giáo viên hợp đồng như giáo viên biên chế được.
"Cán bộ, giáo viên dạng hợp đồng không phải là nhân viên chính thức của trường, đặc biệt là những giáo viên hợp đồng 3 tháng, dạy tiết nào tính tiền tiết đấy, thì làm sao đóng bảo hiểm được?", ông Dũng nói.
|
Biết là sai, nhưng Lãnh đạo nhà trường không biết phải làm thế nào cho đúng...?!
|
Theo ông Dũng, nhà trường đang gặp nhiều khó khăn, tất cả các giáo viên phải tập trung, tăng cường chất lượng đào tạo, tuyển sinh thì nhà trường mới có tiền trả. Về những ý kiến phản ánh của giáo viên, ông Dũng khẳng định: "Họ sai, vì hợp đồng là thỏa thuận, đồng ý thì làm, nếu không làm nhà trường sẽ tạo điều kiện cho đi".
"Để tồn tại những hợp đồng lao động như thế này là sai, cắt hẳn lương đi cũng là sai, vậy làm sao cho đúng, tôi mong các đơn vị liên quan làm lại cho đúng, để không gây khó khăn cho kinh phí nhà trường" - ông Dũng bày tỏ.
Phóng viên Báo Đời sống và Pháp luật đã liên hệ trao đổi với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang về các vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động và quyền lợi của gần 50 cán bộ, giáo viên trường Cao đẳng nghề Bắc Giang.
Đại diện Thanh tra sở, bà Đỗ Thị Thu Hiền - Phó Chánh thanh tra cho biết: “Việc nhà trường liên tục ký quá 3 hợp đồng lao động đối với người lao động là có sai sót”.
Tuy nhiên, theo bà Hiền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ vừa mới nhận được đơn thư của cán bộ, giảng viên trường Cao đẳng nghề Bắc Giang và sẽ bố trí thời gian làm việc với trường. Sau 15 ngày nữa Sở sẽ trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí!
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-47-giao-vien-o-bac-giang-keu-cuu-hieu-truong-thua-nhan-sai-a28547.html