(ĐSPL) – Ăn ớt, ngậm khăn lau bảng, dùng roi mây… là những hình phạt “sáng tạo” của một số thầy cô giáo dành cho các học sinh mắc lỗi chẳng khác gì án phạt thời trung cổ.
Dùng khúc mây rừng đánh học sinh bầm tím chân phải nhập viện
Vụ việc gần nhất diễn ra vào đầu tháng 3, xảy ra ở trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tây Giang, Quảng Nam.
Vết thương ở chân học sinh bị thầy hiệu phó nhà trường đánh. |
Chỉ vì học sinh ồn ào trong giờ khuya, thầy giáo Trần Quốc Tuấn - hiệu phó của trường đã dùng khúc mây rừng đánh học trò bầm tím chân, gây đa chấn thương phần mềm.
Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Tây Giang - ông Huỳnh Ngọc Hưng xác nhận có xảy ra sự việc trên. Theo thầy Hưng, sự việc xảy ra là do các em học sinh gây ồn ào trong lúc đêm khuya, ảnh hưởng đến các phòng khác trong khu ký túc xá mà thầy Tuấn là thành viên Ban quản lý ký túc xá học sinh.
Sau đó, lãnh đạo nhà trường cùng thầy Tuấn đã tìm đến gia đình để xin lỗi và thăm hỏi, động viên ổn định tâm lý để học sinh tiếp tục học tập sau khi ra viện.
19 học sinh bị ăn ớt cay vì không học bài và nói chuyện riêng
Sự việc gây chấn động dư luận mới diễn ra cách đây hơn 1 tháng, chỉ vì bực tức học sinh không học bài và nói chuyện riêng trong lớp nên 3 giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Bình Phước) đã phạt 19 học sinh ăn ớt
Ngày 21/3, đại diện Nhà trường cho biết, ngành giáo dục tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo kiểm điểm, kỷ luật nghiêm khắc đối với 3 giáo viên có hành vi phản giáo dục này. Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hoàng Diệu đã cùng các giáo viên đến tận nhà để xin lỗi học sinh và gia đình.
11 học sinh ngậm khăn lau bảng
Cuối năm 2013, một sự việc đáng tiếc đối với ngành giáo dục đã xảy ra. Một giáo viên dạy môn mỹ thuật mới được nhận vào Trường tiểu học Liên Minh Công Nông, huyện Củ Chi, TP.HCM được giao làm giáo viên chủ nhiệm lớp 2. Sau khi cô giáo nhận nhiệm vụ mới được hai tuần thì xảy ra sự việc. Hôm đó trong lớp học có 40 em, cô giáo giảng môn Tiếng Việt, bài “Luyện từ và câu”.
Theo lời kể của cô giáo, mỗi lần cô quay lên bảng viết bài thì các em học sinh ngồi dưới nói chuyện và làm ồn, rất mất trật tự, cô đã nhắc nhở mà không được. Quá bức xúc vì việc các em không nghe lời, cô giáo đã yêu cầu lớp trưởng đưa khăn lau bảng cho những học sinh nói chuyện phải ngậm. Từ em này chuyền qua em kia, tổng cộng có 11 học sinh phải ngậm khăn lau bảng.
Trong bản kiểm điểm gửi Phòng GD-ĐT và Ban giám hiệu nhà trường, cô giáo đã thừa nhận hành động của mình là sai, do chưa có kinh nghiệm đứng lớp đồng thời gửi lời xin lỗi đến các em học sinh cùng gia đình
Thầy phạt trò bằng…. roi mây
Dư luận vẫn chưa quên những hình ảnh "tra tấn" trò bằng roi mây trong lớp cải thiện kiến thức của học sinh từ lớp 7 lên lớp 8 năm 2012 tại Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp II ở thành phố Thái Nguyên của thầy Phạm Minh Tuấn.
Hình ảnh thầy giáo "tra tấn" trò bằng roi mây dã man. |
Trung tâm thầy giáo Tuấn nổi tiếng với cách giảng dạy "đòn roi", nghĩa là nếu học sinh không thuộc bài hoặc làm bài "dưới điểm 5" sẽ bị các thầy cô giáo ở đây dùng roi mây đánh mạnh trực tiếp vào người.
Thầy Tuấn biện minh rằng” thương cho roi cho vọt” nên mới dùng biện pháp mạnh và cách dạy học sinh bằng đòn roi như thế đã được phụ huynh các em biết và chấp nhận.
Sau đó, người thầy này đã bị đình chỉ dạy thêm 1 năm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên và bị phạt 3 triệu đồng.
Bàn về hiện đượng đáng lo ngại này, thạc sĩ Trần Bích Nga - giảng viên khoa Tâm lí học, Học viện Báo chí - Tuyên truyền cho biết: “Việc giáo viên phạt học sinh bằng các hình phạt dã man là việc làm đáng lên án trong xã hội. Việc bạo hành giữa con người với nhau đã là mất "tính người" trong xã hội nữa là việc giáo viên bạo hành học sinh.
Thạc sĩ Trần Bích Nga - giảng viên khoa Tâm lí học, Học viện Báo chí - Tuyên truyền. |
Nghề giáo là nghề định hướng và tổ chức cho học sinh hoàn thiện nhân cách, sử dụng một phương tiện đặc biệt để tác động đến học sinh đó chính là nhân cách của mình nên việc giáo viên bạo hành học sinh điều đó thể hiện sự ác độc, thiếu lòng nhân ái trong nhân cách người thầy, và thầy sẽ là gương xấu ảnh hưởng tới học sinh.
Một trong những phẩm chất hàng đầu trong nhân cách người giáo viên là phải có lòng yêu thương con người, yêu thương học sinh. Việc bạo hành học sinh của giáo viên cho thấy họ chưa đủ yêu cầu về nhân cách để dạy học sinh".
Từ đó, cô Nga cũng đưa ra các biện pháp để chấm dứt tình trạng này, đó là:
- Xã hội lên án mạnh mẽ hành động bạo hành của giáo viên;
- Nhà trường (đặc biệt là trường sư phạm) cần tăng cường giáo dục đạo đức cho sinh viên và cả giáo viên;
- Nhà trường cần quản lý chặt chẽ giáo viên;
- Cha mẹ học sinh cần quan tâm sát sao đến con em mình, chủ động liên lạc với giáo viên, nhà trường để biết tình hình con ở trường, lớp.
Fan Phạm