+Aa-
    Zalo

    "Vòi bạch tuộc" tín dụng đen "bức tử" người nghèo (Kỳ cuối): Đưa vào tầm ngắm, tìm cách "chặt tay" tổ chức cho vay lãi cắt cổ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chỉ riêng cách gọi tín dụng đen là đủ hiểu nguồn gốc, đường đi và cách thức vận hành của những đồng tiền này. Lỡ dính đến tín dụng đen sẽ bị khống chế dồn đến chân tường.

    Chỉ riêng cách gọi “tín dụng đen” là đủ hiểu nguồn gốc, đường đi và cách thức vận hành của những đồng tiền này. “Con mồi” lỡ dính đến “tín dụng đen” sẽ bị khống chế dồn đến chân tường.

    “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 1)

    “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 2)

    “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 3)

    “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 4)

    “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 5)

    Truy cùng, đuổi tận để siết nợ

    Như đã đề cập ở các kỳ trước, nếu người vay không có khả năng trả nợ, các đối tượng này sẵn sàng cho đàn em hoặc tay chân truy cùng, đuổi tận để siết nợ. Trao đổi với PV, võ sư Long Phi Thanh, Giám đốc công ty TNHH MTV võ thuật Long Phi Thanh cho biết: “Tôi đã từng nhận được lời mời cho võ sinh đi đòi nợ thuê của các tiệm cầm đồ, dịch vụ đòi nợ thuê khác. Tuy nhiên, biết bản chất của công việc này nên tôi kiên quyết từ chối. Bởi, đa phần họ mời dân võ đi là để đánh đấm, đâm chém, chứ có ai đi mời võ sư đi đòi nợ thuê một cách đàng hoàng đâu”.

    Luật sư Lê Văn Nam, đoàn Luật sư TP.HCM đánh giá, gần đây, hiện tượng cho vay nặng lãi diễn ra ngày càng phổ biến và để lại những hậu quả khôn lường. Điều 163 BLHS 1999 quy định rõ hành vi cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất bóc lột thì thỏa mãn cấu thành tội phạm tội này. Về mức cho vay được tính theo quy định của BLDS hiện hành.

    Tuy đã có chế tài nhưng hành vi cho vay lãi nặng vẫn chưa có hình phạt tương xứng. Luật sư Nam nhấn mạnh: “Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Mức hình phạt đối với tội cho vay nặng lãi cao nhất là 3 năm tù, ngoài ra người phạm tội còn bị phạt tiền gấp 5 lần số tiền thu lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi”.

    Dù quy định là vậy, tuy nhiên các chuyên gia chuyên “đánh án” cũng cho rằng có những khó khăn trong việc triệt tiêu những đường dây, vòi bạch tuộc hút máu mang tên tín dụng đen. Có nhiều nạn nhân vì quá sợ hãi, đã bỏ đi ra khỏi nơi cư trú, nhưng có người đã quá bế tắc nên họ đã tìm đến cái chết để tránh sự đe dọa của chủ nợ.

    Thượng tá Nguyễn Quang Thi, Phó Phòng Tham mưu Công an TP.HCM nhận định: “Hoạt động cho vay nặng lãi đã xuất hiện ở TP.HCM nhiều năm nhưng việc thu thập các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi của các tổ chức tín dụng này rất khó khăn. Trên thực tế, người vay nợ phải chịu mức lãi suất rất cao, nhưng trong hợp đồng hoàn toàn không thể hiện điều đó. Hoặc người dân phải chịu lãi cao dưới hình thức là hợp đồng mua bán hàng trả góp. Vì vậy, cơ quan công an rất khó có căn cứ để xử lý”.

    Đồng quan điểm, luật sư Phạm Thế Hoài, đoàn Luật sư TP.HCM cho hay: “Hiện nay, thực trạng việc cho vay nặng lãi ngày càng gia tăng, các đối tượng cho vay nặng lãi manh động, côn đồ, hung hãn khi đi đòi nợ. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các vụ ẩu đả, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, do tâm lý sợ hãi nên các bị hại không ai dám đứng ra tố cáo các đối tượng này. Vì vậy, các cơ quan pháp luật cần phải có nhiều biện pháp hơn nữa nhằm kịp thời ngăn ngừa, phát hiện các loại tội phạm liên quan. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này”.

    “Con mồi” lỡ dính đến “tín dụng đen” sẽ bị khống chế dồn đến chân tường - Hình minh họa

    Nhiều đối tượng đang trong “tầm ngắm”

    Chuyên gia kinh tế, TS.Huỳnh Văn Ngọc, giảng viên đại học Kinh tế TP.HCM cho biết: “Hiện nay, lãi suất tại các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng theo quy định của ngân hàng Nhà nước đang ở mức từ 7% đến 13%/năm, tùy theo gói vay, tổ chức cho vay. Còn nếu góp tiền, vay nhanh, trả lãi theo ngày... thực chất là tín dụng đen và lãi suất quá cao như hiện nay thì không thể chấp nhận được”.

    Do đó, chuyên gia này khuyến cáo: “Người đi vay cần phải cẩn trọng, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng cho vay nặng lãi”. Thực tế, nhiều người không thể góp hàng ngày, dẫn tới bị phạt tiền chậm nộp. Như vậy, lãi mẹ đẻ lãi con, sẽ cộng thêm số tiền. Nếu không có khả năng trả nợ, các đối tượng này sẽ dùng các luật rừng để đòi”, ông Nguyễn Tuấn Linh, một người biết về dịch vụ này cho hay.

    Đồng quan điểm bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc một chi nhánh ngân hàng TMCP tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) khuyến nghị: “Người tiêu dùng có nhu cầu đi vay thì nên đến các tổ chức tín dụng để được hỗ trợ tốt nhất. Dù phải theo quy định nhưng như thế vẫn tốt nhất, đồng thời, hạn chế tối đa việc vay nóng, vay chợ đen, góp tiền theo ngày... để tránh rủi ro và các hệ lụy kèm theo”.

    Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết: “Các loại hình cho vay này thực chất là tín dụng đen, khác biệt hoàn toàn với các hình thức mà các công ty tài chính đang cho vay tiêu dùng, được cấp phép. Do đó, người dân cần phải hết sức cẩn trọng. Bởi, hầu hết các giao dịch đều là thoả thuận miệng, không có giấy tờ hợp pháp. Loại hình này nhắm đến những trường hợp có khả năng tài chính hạn chế, cần tiền ngay, hoặc vay để đi trả nợ...”.

    Nói về vấn nạn tín dụng đen và hệ lụy của nó, Đại uý Phạm Minh Tuấn, đội Tham mưu, Công an quận Bình Tân cho biết: “Thời gian qua, công an quận đã tiếp nhận và thụ lý điều tra rất nhiều vụ việc liên quan tới tín dụng đen. Gần đây nhất là đơn cầu cứu của ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1978, ngụ 168/24 đường số 12, khu phố 18, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) về việc bị các đối tượng đòi nợ thuê tạt sơn, quăng mắm tôm vào gia đình, đồng thời đe dọa tính mạng”.

    Cũng theo Đại úy Tuấn, mới đây, Công an quận Bình Tân đã bắt giữ nhiều đối tượng cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

    Được biết, Công an TP.HCM đã lên danh sách gần 600 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi. Các đối tượng này đã nằm trong “tầm ngắm” và công an đang thu thập tài liệu để tiến tới xử lý theo pháp luật. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra với các tổ chức tín dụng đen núp bóng công ty đòi nợ, trung tâm dịch vụ cầm đồ...

    Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an TP.HCM cho biết: “Thời gian qua, lực lượng công an TP. đã xử lý nhiều trường hợp. Tuy nhiên, liên quan chủ yếu tới các hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... khi người vay chưa thể trả nợ vay trong hoạt động tín dụng đen. Việc xử lý cho vay nặng lãi là không dễ, bởi, các đối tượng này luôn tìm cách lách luật, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm”.

    Luật sư Hồ Diệp, đoàn Luật sư TP.HCM nhấn mạnh, quăng mắm tôm, tạt sơn hay các chất bẩn khác vào nhà người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài việc bị phạt mức phạt lên đến 1 triệu đồng, nếu hành vi đó có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 245, Bộ luật Hình sự quy định về tội Gây rối trật tự công cộng và Điều 143 về tội Hủy hoại tài sản với mức phạt cao nhất là 3 năm tù.

    Nhóm PV điều tra

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 153

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/voi-bach-tuoc-tin-dung-den-buc-tu-nguoi-ngheo-ky-cuoi-dua-vao-tam-ngam-tim-cach-chat-tay-to-chuc-cho-vay-lai-cat-co-a256010.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan