+Aa-
    Zalo

    "Vòi bạch tuộc" tín dụng đen "bức tử" người nghèo (kỳ 5): Tán gia bại sản, bị đe dọa tính mạng khi lãi “phình to”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi con nợ chưa có tiền trả kịp thời, các tổ chức tín dụng đen đã sử dụng những chiêu đòi nợ như: Đe dọa, ném chất thải vào nhà...

    Khi con nợ chưa có tiền trả kịp thời, các tổ chức tín dụng đen đã sử dụng những chiêu đòi nợ như: Đe dọa, ném chất thải vào nhà hay cố tình tạo ra một vụ va chạm để “dằn mặt” khiến người nợ hoang mang, sợ hãi. Đặc biệt, khi hết khả năng chi trả, người vay có thể trả giá bằng cả mạng sống.

    “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 1)

    “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 2)

    “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 3)

    “Vòi bạch tuộc” tín dụng đen “bức tử” người nghèo (kỳ 4)

    Chưa cầm tiền vay đã mất lãi

    Như đã đề cập ở các bài trước, hoạt động cho vay lãi suất cao ở TP.HCM và các tỉnh lân cận diễn biến rất phức tạp. Sau khi vướng vào bẫy vay không cần tài sản thế chấp của các tổ chức này, vì không chịu nổi mức lãi suất “cắt cổ”, nhiều người đã tìm cách chạy trốn khỏi sự đeo bám đòi nợ của bọn bất lương.

    Thực tế, từ chỗ nghĩ đơn giản rằng vay tạm tiền của tổ chức tín dụng đen một thời gian ngắn để giải quyết khó khăn cấp bách trước mắt, nhiều gia đình rơi vào vòng luẩn quẩn nợ nần, lãi mẹ đẻ lãi con khiến đời sống ngày càng kiệt quệ. Đã vậy, họ còn luôn trong tình trạng lo lắng và đề phòng vì không biết sẽ bị chủ nợ “xử đẹp”.

    Chúng tôi đã thâm nhập vào một số khu nhà trọ của công nhân để tìm hiểu đời sống và suy nghĩ của họ về tín dụng đen. Cuộc sống và tương lai của nhiều gia đình đang chao đảo trong cơn lốc ấy. PV chọn khu nhà trọ được xây dựng khá quy củ và sạch sẽ gần một cụm công nghiệp của quận Bình Tân, TP.HCM. Được biết, các công nhân thuê ở đây chủ yếu là từ tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Long An...

    Chúng tôi gặp anh Hồ Anh N. (SN 1986, quê tỉnh Hà Tĩnh) vào đầu giờ chiều. Lẽ ra đây là giờ đi làm nhưng như anh nói, anh phải ở nhà “để trả nợ theo lịch hẹn”. Gương mặt khắc khổ, đầy lo lắng, anh N. cho biết, vợ chồng anh vào TP.HCM làm công nhân đã hơn 3 năm. Ban đầu, anh chị gửi con ở quê nhà với ông bà, nhưng sau nghĩ thấy không ổn nên hai người quyết định phải đưa con vào theo bố mẹ.

    Thêm một đứa con, chi phí sinh hoạt tăng vọt, vợ chồng anh gần như không có được khoản dành dụm. Tháng trước, con bị ốm phải nhập viện, hỏi vài người quen thì đều cùng cảnh ngộ tương tự. Đắn đo, suy nghĩ, vợ chồng anh N. quyết định vay nóng qua số điện thoại được dán trên cột điện gần nơi thuê trọ. Rất nhanh chóng và niềm nở, “tư vấn viên” đã tiếp chuyện anh. Ngay sau đó, cuộc gặp giữa người cho vay và người vay là anh diễn ra.

    Theo anh N., ban đầu, “nhân viên tài chính” rất cởi mở và nhẹ nhàng, quan tâm tới đối tượng cần vay vốn. Khi đã biết nhu cầu, họ sẽ hướng dẫn người vay làm “hợp đồng” theo mẫu mà họ đã chuẩn bị sẵn. Anh N. cho biết, vì vợ chồng anh chỉ ở nhà trọ nên sau khi cầm chứng minh nhân dân và giấy tạm trú, họ đồng ý cho vay đúng 10 triệu đồng. Nghĩ rằng chỉ vay trong vòng một tháng nên vợ chồng hơi yên tâm. Nhưng đến lúc những người cho vay tính lãi, anh chị mới biết mình vừa đưa cổ vào... tròng!

    Từ những thông tin từ cột điện như thế này, nhiều gia đình phải ly tán - Ảnh minh họa

    Theo đó, tuy chỉ vay 10 triệu đồng nhưng trên thực tế, anh chị chỉ được nhận đúng 9 triệu đồng tiền mặt, còn 1 triệu đồng bị “cắt” trở lại cho chủ nợ. Mỗi ngày sau đó, đều đặn anh chị phải trả 200.000 đồng tiền lãi cho số tiền đã vay 10 triệu đồng. Tính ra cuối tháng, với số tiền thực vay 9 triệu đồng, anh N. phải trả tiền lãi lên tới hai phần ba số tiền gốc.

    Không chỉ có công nhân mới tìm đến dịch vụ vay nặng lãi, chị Phạm Thị N. (quận Thủ Đức, TP.HCM) vì cần tiền buôn bán nên đã vay bà H. 500 triệu đồng với lãi suất 6% tháng. Tuy nhiên, sau đó, do làm ăn buôn bán thua lỗ, chị N. đã sang xin bà H. cho trả dần 10 triệu đồng/tháng. Bà H. không chịu nên đã thuê công ty P.T. (đóng trên địa bàn quận 10, TP.HCM) đi đòi nợ.

    Công ty này cho người đến đòi nợ theo kiểu xã hội đen, đe dọa và đập phá nhà chị N.. Trong nước mắt, chị N. nghẹn ngào kể với PV: “Tôi vay nợ làm ăn thì tôi phải chịu. Bây giờ tôi đã hết khả năng chi trả, đang kêu bán nhà để trả nợ. Nhưng công ty P.T. cho người đến đe dọa đến mức cả nhà tôi sống trong sợ hãi, bản thân tôi phải trốn đi nơi khác. Con tôi không có tâm trí nào đi học vì sáng nào họ cũng đến đứng trước cửa nhà. Họ kêu tôi ra, bắt đưa 30 triệu đồng thì cho gia hạn trả nợ. Sau đó họ nhận tiền của tôi chẳng ghi biên nhận gì cả...”.

    Bán 2 căn nhà không trả hết nợ

    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn H. (SN 1978, ngụ ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) phẫn nộ cho biết: “Một đường dây xã hội đen chuyên cho vay nặng lãi tại quận Bình Tân đã đẩy gia đình tôi lâm cảnh tan cửa nát nhà, vợ xa chồng, con vắng mẹ, học hành gián đoạn”.

    Anh H. trình bày: “Trước đây, vợ tôi là Đỗ Ngọc Hoài Ph. có mượn của nhóm chuyên cho vay nặng lãi số tiền 50 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng. Khi vợ tôi vay nợ, tôi và người thân không ai hay biết. Một thời gian sau, khi không thể trả nổi số tiền lãi ngày càng lớn thì vợ tôi bỏ trốn. Khi nhóm đối tượng này đòi, tôi mới biết là vợ tôi thiếu nợ”.

    Do chị Ph. bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa “đòi lấy mạng” nếu không tiếp tục trả lãi, anh H. sau đó phải bán 2 căn nhà trị giá 8,7 tỷ đồng để có tiền đưa cho vợ trả nợ. “Mặc dù tôi đã bán hết tài sản nhưng vợ tôi vẫn không thể trả dứt nợ và mỗi ngày số lãi ngày càng “phình to”. Vào đêm 9/11 vừa qua, vì bị “khủng bố” tinh thần và dọa chém, quậy phá nơi làm việc, vợ tôi đã phải bỏ trốn”, anh H. tức giận nói.

    Trước sự việc bất ngờ, anh H. liền báo cho gia đình bên vợ để tìm cách giải quyết. Anh H. cho hay: “Vì không muốn vợ tôi phải sống cảnh trốn chui, trốn nhủi và không biết bị lấy mạng lúc nào, thím tôi cùng cô út qua nhà bàn bạc và thống nhất xin các cô chú cho tiền để trả nợ cho vợ tôi. Sau đó, gia đình chúng tôi đã mời các chủ nợ đến xin trả trước một nửa thì có một số chủ nợ chịu, còn lại 4 người không chịu. Những chủ nợ này gồm: Long, Thuận, Thủy, Hùng”, anh H. nói.

    “Ngày 17/11, một trong những đối tượng cho vay nặng lãi đã quăng mắm tôm và sơn vào nhà cha mẹ tôi tại đường Tân Kỳ Tân Quý, khu phố 17, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân và quán nơi tôi đang làm việc tại khu phố 18, phường Bình Hưng Hòa”, anh H. nói thêm.

    Câu chuyện của gia đình anh H. cùng nhiều con nợ khác cũng minh chứng rõ rằng, các tổ chức tín dụng đen tuy hoạt động bất hợp pháp nhưng sẵn sàng ra tay dằn mặt con nợ một cách công khai. Hiện đã có một số nạn nhân viết đơn tố cáo và cầu cứu gửi đến cơ quan chức năng. Thậm chí, có nạn nhân vì quá sợ hãi mà bỏ đi khỏi nơi cư trú, nhưng có những người đã phải tìm đến cái chết để tránh sự đe dọa của chủ nợ.

    Cầu cứu công an

    “Việc tôi và người thân bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, quăng mắm tôm, tạt sơn, thậm chí còn nói xấu trên mạng xã hội là việc không thể chấp nhận được. Cha mẹ tôi cùng gia đình tôi sống tại mảnh đất này đã lâu, chưa từng có tai tiếng gì, mà hôm nay bọn cho vay nặng lãi đã xúc phạm danh dự gia đình tôi, làm ảnh hưởng đến tâm lý khiến các con tôi không thể học hành được. Hiện tại tôi vô cùng bế tắc, hoang mang và sợ hãi nên cầu cứu đến các cơ quan chức năng vào cuộc để đảm bảo an nguy của gia đình. Gia đình tôi có mẹ già và 3 con nhỏ”, anh H. chia sẻ.

    (Còn nữa...)

    Nhóm PV điều tra

    Bài đăng trên ấn phẩm báo Đời sống & Pháp luật số 152

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/voi-bach-tuoc-tin-dung-den-buc-tu-nguoi-ngheo-ky-5-tan-gia-bai-san-bi-de-doa-tinh-mang-khi-lai-phinh-to-a255569.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan