(ĐSPL) - Bộ quốc phòng Nga đang xem xét việc xuất khẩu S-400 vào năm 2015 và Việt Nam dự kiến sẽ có 4-6 hệ thống phòng không đa tầng hiện đại này.
|
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf |
Ngày 6/8, phát biểu với phóng viên của Russia Today, ông Igor Novoselov, Trợ lý Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Viện Duma Liên bang Nga cho biết Việt Nam sẽ sớm nhận được tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-400.
Đại tá về hưu Igor Novoselov cho biết: “Quân đội Việt Nam hiện đang trang bị các hệ thống tên lửa phòng không S-300. Trong tương lai không xa, thay thế chúng sẽ là S-400, những tổ hợp tên lửa hiện đại nhất. S-400 bắn hạ mục tiêu ở các độ cao lớn và nhỏ, bao trùm phạm vi rộng”.
Không chỉ có Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng muốn mua S-400 Triumf, một hệ thống phòng không đa tầng có thể bắn hạ máy bay tàng hình, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Giá của một hệ thống S-400 là gần 200 triệu USD (thời giá 2007). Rất nhiều quốc gia muốn mua hệ thống này, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Saudi Arabia, Ấn Độ, Iran....
Ngay từ năm 2009, Belarus đã ngỏ ý muốn mua S-400. Trong chương trình tên lửa chống máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ, Istanbul muốn mua S-400 hơn đối thủ của nó là Patriot.
Năm 2011, Trung Quốc ngỏ ý muốn mua S-400 và máy bay Sukhoi Su-35 của Nga. Hàn Quốc đang phát triển một phiên bản đơn giản của S-400 được gọi là M-SAM Cheolmae-2 với sự giúp đỡ của Almaz.
Tính năng của tổ hợp tên lửa S-400
S-400 Triumf (NATO gọi là SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế.
Sự khác biệt giữa S-400 với các phiên bản S-300 trước chủ yếu là những cải tiến sâu hơn về các thiết bị điện tử cùng với việc triển khai thêm 4 loại tên lửa mới cho hệ thống, nhằm tăng khả năng tác chiến chống các loại mục tiêu. Phạm vi hoạt động của các loại tên lửa S-400 là 40-120 km (với tên lửa 9M96), 250 km (với tên lửa 48N6) và tới 400 km (với tên lửa 40N6).
|
Một trong những loại tên lửa của hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf |
Đáng chú ý, tên lửa 9M96E2 có thể bắn hạ mục tiêu bay ở khoảng cách lên đến 120 km, trần bay từ 5 mét đến 30 km. Tên lửa 9M96 tầm trung (120 km, chỉ dùng trong nội địa và không xuất khẩu) có tỷ lệ bắn hạ tên lửa là 1, còn đối với máy bay hay máy bay không người lái lần lượt là 0,9 và 0,8.
Trong tháng 4/2004, Nga thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn 48N6DM tầm bắn 250 km trang bị cho S-400.
Tên lửa chống tên lửa đạn đạo 77N6-N và 77N6-N1 được đưa vào sử dụng năm 2014. Tên lửa 77N6-N và N1 cũng sẽ được triển khai trên tổ hợp tên lửa S-500 với vai trò đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Hệ thống S-400 có thể phát hiện mục tiêu cách xa 400-600 km và cao 40-50 km. Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực ra S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm. Nó có thể bắn hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27 km và các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 10 m - đây là điều mà không một hệ thống tên lửa phòng không nào của bất cứ quốc gia nào có thể làm được. S-400 Triumf có thể tiêu diệt các loại máy bay của đối phương trong khoảng cách từ 40–400 km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km.
|
Một tiểu đoàn S-400 có thể theo dõi 100 mục tiêu ở cự li 400-600 km và khóa 36 mục tiêu. |
Một tiểu đoàn S-400 có thể theo dõi 100 mục tiêu ở phạm vi 400-600 km và khóa 36 mục tiêu. Thường thì một đơn vị khó có thể tiêu diệt hết 36 mục tiêu mà chỉ có khả năng diệt từ 12-16, do chỉ có khoảng 12-16 ống phóng. Khả năng tiêu diệt mục tiêu phụ thuộc vào tên lửa và hệ thống sử dụng.
Đối tượng đánh chặn của S-400 là các loại máy bay ném bom chiến lược (B1 Lancer, FB-111, B-52), các máy bay tác chiến điện tử (EF-111A, EA-6), máy bay cảnh báo sớm (E3-A, E2-C), máy bay tiêm kích (F-15, F-16), máy bay tàng hình (B-2, F-117A, F-22), tên lửa hành trình chiến lược Tomahawk và các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới 3.500km.
S-400 trong quân đội Nga
Việc nghiên cứu S-400 bắt đầu từ tháng 1/1990. Đúng 9 năm sau, tháng 1/1999, Lực lượng phòng không Nga chính thức “trình làng” hệ thống này. Ngày 12/2/1999, kết quả thử nghiệm S-400 rất thành công trong việc tiêu diệt các loại mục tiêu trên không. Năm 2001, Nga bắt đầu lên kế hoạch trang bị S-400 cho quân đội.
|
S-400 diễu qua Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mátxcơva |
Ngày 21/5/2007, các tiểu đoàn S-400 bắt đầu được triển khai tại khu vực Mátxcơva và các khu vực công nghiệp quan trọng của Nga.
Năm 2008, tướng Vladimir Sviridov tuyên bố đến năm 2020, S-400 sẽ là tên lửa phòng không chủ lực trong Lực lượng phòng không Nga.
Năm 2012, theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti, quân đội nước Nga đã bắt đầu triển khai hệ thống tên lửa đất đối không S-400 Triumf tại khu vực Kaliningrad, vùng biển Baltic giáp Ba Lan và Lithuania. Nó cũng có mặt ở phía đông thành phố Nakhodka.
|
S-400 cũng được triển khai ở vùng Viễn Đông, Liên bang Nga |
Tính đến năm 2012, các hệ thống tên lửa phòng không S-400 đã bảo vệ 140 mục tiêu quan trọng khác nhau - trong đó có các khu công nghiệp trung tâm, các nhà máy điện hạt nhân, các mục tiêu chính trị quan trọng của Liên bang Nga và thủ đô Mátxcơva
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-se-co-s-400-hien-dai-nhat-a45168.html