+Aa-
    Zalo

    Việt Nam đóng góp tích cực vì hợp tác, phát triển tiểu vùng Mekong

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo ông Lưu Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ Kế hoạch đầu tư, Việt Nam có đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại GMS.

    Theo ông Lưu Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ Kế hoạch đầu tư, Việt Nam có đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại GMS.

    Ngày mai (29/3), tại Hà Nội sẽ chính thức diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV 10) lần thứ 10. Đây là một trong 3 sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2018, là cơ hội để các nhà lãnh đạo trao đổi các vấn đề cùng quan tâm về tăng cường hợp tác đầu tư, thúc đẩy thương mại, bảo đảm an ninh và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

    PV đã có buổi phỏng vấn ông Lưu Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ Kế hoạch đầu tư, trưởng quan chức cao cấp GMS 6 về những thành tựu, mục tiêu của hợp tác GMS trong thời gian tới, cũng như những đóng góp của Việt Nam trong chương trình hợp tác này.

    Ông Lưu Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ Kế hoạch đầu tư, trưởng quan chức cao cấp GMS 6

    PV: Xin ông cho biết mục tiêu dài hạn và những trụ cột hợp tác của Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS)?

    Ông Lưu Quang Khánh: Chương trình Hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekongmở rộng (hay còn gọi là hợp tác GMS do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng vào năm 1992. Các nước thành viên tham gia gồm Campuchia, TrungQuốc (với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây), Lào, Myanmar, TháiLan và Việt Nam.

    Khung Chiến lược hợp tác GMS giai đoạn 2012-2022 đã xác định mục tiêu dài hạn của GMS là xây dựng một khu vực kinh tế hội nhập, thịnh vượng và bền vững. Khung chiến lược GMS cũng xác định 8 lĩnh vực ưu tiên, hay có thể gọi là trụ cột của hợp tác GMS, đó là phát triển hành lang kinh tế, đô thị, nông nghiệp môi trường, y tế, giáo dục, du lịch, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.

    PV: Ông đánh giá thế nào về những thành tựu mà Chương trình Hợp tác Kinh tế Tiểu vùng sông Mekong (GMS) đạt được trong hơn 25 năm qua?

    Ông Lưu Quang Khánh: Những thành tựu và các nước GMS đạt được trong 25 năm qua là rất to lớn. Từ một khu vực chỉ gồm phần lớn là các nền kinh tế chậm phát triển với mức thu nhập bình quân đầu người dưới 200 USD/năm, GMS đã trở thành một khu vực của các nền kinh tế có thu nhập trung bình. Tăng trưởng trung bình của các nước GMS là 6.3%/năm, một trong những khu vực có tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Kể từ năm1992 sau khi GMS được thành lập cho đến nay, thương mại nội khối của GMS đã tăng mạnh từ 5 tỉ đô la trong năm 1992 đến 414 tỉ đô la trong năm 2017. Đầu tư nước ngoài tăng gấp 10 lần. Chính phủ các nước GMS, ADB và các đối tác phát triển khác đã đầu tư 21 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến hành lang kinh tế xuyên quốc gia. Với sự hỗ trợ này, các nước GMS đã xây dựng được khoảng10,000 km hành lang kinh tế, 3000 km đường dây tải điện...

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên ban tổ chức đã rà soát, kiểm tra kịch bản của từng phiên họp, kế hoạch di chuyển các đội hình xe... Ảnh: VGP

    Năng lực cạnh tranh của các nước GMS cũng tăng đáng kể sau 25 năm hình thành và phát triển sáng kiến hợp tác GMS. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc cải thiện các thị trường giao thông vận tải nội khối, thị trường du lịch. Khu vực GMS là một trong những khu vực đầu tiên của châu Á ký kết và thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước GMS (Hiệp định CBTA).

    Theo đó, mô hình một cửa, một lần dừng được thành lập ở một số cửa khẩu của GMS đã giúp giảm thời gian thông quan và vận chuyển hàng hóa qua biên giới được thuận lợi. Gần đây nhất, ngày 15/3/2018 tại Hà Nội các Bộ Trưởng Giao Thông GMS đạt được thỏa thuận giữa các nước GMS về cấp giấy phép lưu thông đường bộ giữa các nước. Ngoài ra, thị trường du lịch của GMS phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2016, đã có 60 triệu lượt khách du lịch tới các nước GMS góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của khu vực nói chung và từng nước thành viên nói riêng.

    PV: Trong thời gian tới, các nước cần làm gì để thúc đẩy việc phát triển các hành lang kinh tế GMS?

    Ông Lưu Quang Khánh: GMS có ba hành lang kinh tế chính là hành lang kinh tế Bắc-Nam, hành lang kinh tế Đông-Tây và hành lang kinh tế phía Nam. Các hành lang kinh tế này có vai trò cực kỳ quan trọng trong kết nối cơ sở hạ tầng trong GMS.

    Để thúc đẩy việc phát triển các hành lang kinh tế của GMS trong tương lai, các nước GMS cần tập trung và những ưu tiên chính sau:

    Thứ nhất, các nước cần thúc đẩy việc triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước GMS (Hiệp định CBTA). Thứ hai, cần tập trung phát triển hệ thốngs logistic trong khu vực GMS, ví dụ như hệ thống cảng cạn, hệ thống kho bãi, dịch vụ logistic... Thứ ba, các nước thành viên GMS cần tập trung phát triển hệ thống đường sắt và kết nối mạng lưới đường sắt, đường bộ với hệ thống cảng biển, cảng sông để tạo ra một mạng lưới giao thông đa phương thức góp phần thúc đẩy việc hình thành các cực tăng trưởng, các hoạt động kinh tế dọc các hành lang giao thông và tăng trưởng kinh tế của khu vực GMS.

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác chuẩn bị hội nghị GMS 6 và CLV 10. Ảnh: VGP

    PV: Ông đánh giá thế nào về những đóng góp và vai trò của Việt Nam trong hợp tác GMS?

    Cá nhân tôi cho rằng sự tham gia của Việt nam nằm trong 3 cụm từ: Tích cực - chủ động - có trách nhiệm. Đối với việc hoạch định chính sách trong phát triển khu vực tiểu vùng thì Việt Nam là 1 thành viên hết sức tích cực và chủ động đưa ra những sáng kiến, tham gia tích cực vào quá trình thảo luận để đưa ra những thống nhất chung giữa các thành viên, ví dụ như Khung đầu tư tiểu vùng, Khung chiến lược hợp tác 2012 - 2022.

    Thêm nữa là Việt nam có những sáng kiến rất quan trọng được ghi nhận, ví dụ như tại hội nghị thượng đỉnh lần này thì Việt Nam đưa ra sáng kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh kinh doanh với sự tham gia của hơn 1000 doanh nghiệp quan tâm. Đây là 1 sáng kiến được các thành viên GMS đánh giá cao, chắc chắn sẽ tạo ra 1 cú hích, tạo sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào sự thịnh vượng chung của GMS.

    PV: Xin cảm ơn ông!

    Hoàng Giang

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-dong-gop-tich-cuc-vi-hop-tac-phat-trien-tieu-vung-mekong-a224041.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan