Là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, người cao tuổi ở Việt Nam còn có sức khỏe kém, mắc nhiều bệnh mạn tính.
Vnexpress đưa tin, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đang chạm đỉnh dân số vàng, song đã bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh. Năm 2011, tỷ trọng dân số tuổi trên 60 chiếm 9,9%, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tính đến năm 2018, số người cao tuổi chiếm 11,95% dân số.
Dân số Việt Nam có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới - Ảnh minh họa Vietnamnet. |
"Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số rất già vào năm 2038 với tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi", ông Tú cho biết.
Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước mất hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như Pháp 115 năm, Australia 73 năm; Trung Quốc 26 năm, ở Việt Nam chỉ mất 15 năm.
Đặc điểm của già hóa dân số ở Việt Nam là xu hướng nữ hóa ở người cao tuổi với sự gia tăng tỷ lệ góa và tình trạng người cao tuổi sống một mình. Đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều khó khăn khi 68% sinh sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp.
Ngoài ra, 72,3% người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với họ, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.
Đặc biệt, sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh của Việt Nam là khoảng 64 tuổi. Gánh nặng bệnh tật kép với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền.
Theo Nhân dân điện tử, người cao tuổi thường mắc các bệnh sau: Tim mạch, đái tháo đường, viêm phổi tắc nghẽn... điển hình nhất là sa sút trí tuệ (SSTT).
Người cao tuổi Việt Nam những năm cuối đời thường mắc nhiều bệnh mạn tính. |
Sự già hóa dân số dẫn đến sự chuyển dịch về gánh nặng bệnh tật. Trước đây, gánh nặng bệnh tật là các bệnh truyền nhiễm thì hiện nay chuyển sang các bệnh không lây nhiễm trong đó có SSTT. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, cứ ba giây thì thế giới có thêm một người bị SSTT và số người bị SSTT tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm. Chi phí chăm sóc, điều trị người bệnh SSTT là khoảng 800 tỷ USD.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, khi chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 khi có 11% số dân là những người trên 60 tuổi và là một trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất. Tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh vẫn là một nước có mức thu nhập trung bình thấp đã đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là trong công tác chăm sóc sức khỏe.
Theo ông Tú, cùng với quá trình "già hóa dân số", Việt Nam cũng đang ở trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn hơn tỷ lệ người trong độ tuổi phụ thuộc. Từ năm 1989 đến nay, số dân dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39% xuống 24%; trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 56% lên 68%; trên 65 tuổi tăng từ 4,7% lên 7,6%.
Việt Nam vừa mới thực hiện chính sách giảm sinh, từ năm 2011 lại bước vào giai đoạn già hóa dân số. Hệ thống an sinh xã hội, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa kịp hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, đặt ra nhiều thách thức trong công tác lập kế hoạch và hoạch định chính sách. Hơn nữa, một bộ phận xã hội còn có quan niệm thiên lệch về người cao tuổi, cho rằng người cao tuổi là gánh nặng, do đó chưa có những nhận thức và hành vi thích ứng với xã hội "già hóa".
Minh Khôi (T/h)