Trung Quốc đang kêu gọi Mỹ giữ thỏa thuận hạt nhân của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump dọa sẽ rút khỏi và áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Tehran.
Trong một bài phát biểu hôm 13/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối xác nhận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), cáo buộc Iran "vi phạm nhiều lần" thỏa thuận này mặc dù các thanh sát viên quốc tế nói rằng Tehran đã tuân thủ.
JCPOA được Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Anh đàm phán, ký kết với Iran vào năm 2015 nhằm hạn chế tham vọng hạt nhân của Tehran. Theo thỏa thuận, Iran sẽ dừng nhiều chương trình nghiên cứu, phát triển hạt nhân để đổi lại việc các cường quốc không áp đặt lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, tình hình kinh tế và an ninh ở Iran – quốc gia có mối liên hệ gần gũi với Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng bất ổn định. Trung Quốc phát triển dựa vào dầu mỏ nhập khẩu từ Iran, trong khi Tehran hướng về Bắc Kinh như một nguồn đầu tư, đặc biệt là với các kế hoạch cơ sở hạ tầng và thương mại đường bộ.
Iran và Trung Quốc có quan hệ hợp tác chặt chẽ. Ảnh: SCMP |
Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Iran nhờ dầu mỏ. Trung Quốc đã nhập khẩu 3,34 triệu tấn dầu từ Iran vào tháng 8/2017 - mức cao nhất kể từ năm 2006.
Trong chuyến thăm Iran sau thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý kế hoạch 25 năm nhằm tăng cường thương mại song phương với Iran với tổng giá trị lên 600 tỷ USD trong thập kỷ tới. "Tình hữu nghị Trung Quốc-Iran ... đã đứng vững qua những thử thách, thăng trầm", ông Tập khẳng định vào thời điểm đó.
Các công ty Trung Quốc cũng tài trợ cho những dự án năng lượng lớn ở Iran, bao gồm phát triển các mỏ dầu khổng lồ ở Yadavaran và North Azadegan. Vào tháng 7/2017, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc đã nắm giữ 30% cổ phần trong một dự án phát triển tại South Pars, Iran - mỏ khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới.
Bắc Kinh đã ký hợp đồng trị giá 3 tỷ USD để giúp nâng cấp các nhà máy lọc dầu của Iran vào tháng 1 năm nay.
Ngoài ra, Iran tọa lạc tại khu vực then chốt của sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc nên nước này trở thành phần quan trọng trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng mở rộng của chính phủ ông Tập Cận Bình. Dự án xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc trị giá 2,56 tỷ USD từ Tehran đến thành phố Mashhad phía Đông đang được tiến hành với sự giúp đỡ bằng khoản vay trị giá 1,6 tỷ USD từ phía Trung Quốc. Đây là dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Iran của Bắc Kinh sau khi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký kết. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho biết họ đã tài trợ cho 26 dự án ở Iran, cung cấp khoản vay khoảng 8,5 tỷ USD.
Các công ty Trung Quốc cũng tham gia xây dựng đường cao tốc, khai thác và sản xuất thép tại Iran.
Iran khẳng định họ cũng sẽ rút khỏi thỏa thuận ngay lập tức nếu phía Mỹ ra quyết định chính thức rút khỏi JCPOA. Như vậy, khi Iran có bất ổn, rất có thể Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng tới nguồn cung cấp dầu cùng với các khoản đầu tư, cho vay.
(Theo SCMP)