Việc Mỹ phá vỡ thỏa thuận hật nhân Iran có thể khiến thị trường năng lượng thế giới biến động khôn lường.
Chưa đầy một tuần nữa là đến thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố việc có hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) hay không. Bất chấp những nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận, Iran đã ra tín hiệu quyết không nhượng bộ về chương trình hạt nhân. Thông tin đăng tải trên báo VOV.
Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: SBS. |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm ở Đại học Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bảo vệ thỏa thuận hạt nhân giữa quốc gia này và các cường quốc phương Tây, đồng thời khẳng định ông Trump không thể gây tổn hại tới thỏa thuận này.
"Trong những cuộc đàm phán và thỏa thuận, chúng ta đã đạt được những vấn đề và lợi ích không thể bị đảo ngược. Không ai có thể đảo ngược điều này, kể cả đó là ông Donald Trump hay bất cứ ai khác. Chúng ta đã ký kết thỏa thuận, nếu phía bên kia vẫn tuân theo thỏa thuận thì chúng ta cũng sẽ tuân thủ và thực hiện thỏa thuận. Nếu Mỹ vi phạm thỏa thuận hạt nhân, thế giới sẽ lên án Mỹ, chứ không phải Iran", ông Rouhani phát biểu.
Theo giới truyền thông, nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, các cuộc đua vũ trang sẽ ngay lập tức xuất hiện đồng thời làm tình hình căng thẳng ở Trung Đông gia tăng. Một số khác thì nhận định việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Iran sẽ không đảm bảo quốc gia này từ bỏ chương trình hạt nhân vĩnh viễn.
Một cơ sở hạt nhân của Iran ở ngoại ô TP Isfahan |
Trong bối cảnh Thỏa thuận hạt nhân Iran có nguy cơ đổ vỡ, giới phân tích lo ngại những tác động tiêu cực từ sự sụp đổ trên sẽ ảnh hưởng mạnh đến sự ổn định, an ninh khu vực và thị trường dầu mỏ thế giới. Về dầu mỏ, Iran hiện sản xuất khoảng 3,8 triệu thùng dầu mỗi ngày và xuất khẩu khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày. Khoảng 60% trong số đó được xuất khẩu đến Châu Á, trong khi 40% đến Châu Âu. Việc Mỹ phá vỡ thỏa thuận hật nhân Iran có thể khiến thị trường năng lượng thế giới biến động khôn lường.
Hoàng Giang (T/h)