(ĐSPL) – Bài bình luận trên tờ SCMP đánh giá rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phá vỡ truyền thống được thiết lập bởi người tiền nhiệm, cư xử khá lạnh nhạt với Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump đang bận bịu với các cuộc họp cũng như điện đàm với các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 20/1, tuy nhiên đường giây liên lạc giữa Phòng Bầu Dục và Trung Nam Hải dường như rất yên tĩnh.
Vị tân Tổng thống cũng không xuất hiện để gửi bất kỳ lời chào cá nhân nào cho người đồng cấp Trung Quốc của ông là Chủ tịch Tập Cận Bình hay người Trung Quốc vào ngày Tết Nguyên đán. Hành động của ông Trump được SCMP đánh giá là trái ngược hoàn toàn so với người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Barack Obama.
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump luôn "lạnh nhạt" với Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Thay vào đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon chỉ đưa ra một thông cáo báo chí với vỏn vẹn 91 từ trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, thay mặt Tổng thống Donald Trump gửi lời chúc mừng năm mới nhân dịp Tết Nguyên đán 2017.
[poll3]1036[/poll3]
Việc ông Trump bỏ qua những nghi thức ngoại giao truyền thống với Trung Quốc trái ngược với cách cư xử của người tiền nhiệm Barack Obama với cộng đồng người Hoa mỗi dịp nghỉ lễ. Trước kia, cứ đến mỗi dịp Tết Nguyên đán, ông Obama luôn là người đầu tiên gửi thiệp mừng viết tay kể từ năm 2010 để chúc mừng nhà lãnh đạo và người dân Trung Quốc. Thậm chí, thành ý của ông Obama còn được thể hiện qua hành động giành thời gian quay video gửi lời chúc mừng năm mới trong suốt 3 năm qua.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1 vừa qua, ông Trump đã có những cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo hàng đầu đến từ Úc, Canada, Nga, Nhật Bản, Đức, Pháp, Israel, Ấn Độ, Mexico, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ả rập Saudi và Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc hội đàm trực tiếp với Donald Trump sau khi ông chuyển vào Nhà trắng là Thủ tướng Anh Theresa May, chỉ một tuần sau khi ông nhậm chức.
Cách cư xử của ông Trump trái ngược với người tiền nhiệm Barack Obama. Ảnh: Bussiness Insider |
Các báo cáo tương tác cuối cùng giữa Washington và Bắc Kinh là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng gửi một tấm thiệp chúc mừng nhân ngày lễ Giáng sinh và năm mới (dương lịch) tới ông Trump. Tân Tổng thống Mỹ nói với Wall Street Journal trong một cuộc phỏng vấn được đăng ngày 13/1 rằng ông đã nhận được một bức thiệp “đẹp đẽ” từ Chủ tịch Trung Quốc.
Động thái này diễn ra sau khi 2 vị lãnh đạo được xác nhận là đã có cuộc điện đàm vào giữa tháng 11 để chúc mừng ông Trump đắc cử.
Shi Yinhong, Giám đốc viện nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định ông Trump “cố ý lạnh nhạt với lãnh đạo Trung Quốc” bằng việc điện đàm với tất cả lãnh đạo của các nước lớn khác, trừ lãnh đạo Trung Quốc. “Động thái của ông Trump ngụ ý ông muốn chỉ ra rằng ông ấy ở một vị thế cao hơn trong việc phân chia lại quyền lực thế giới”.
Ông Shi tin rằng động thái này cho thấy những bất ổn trong mối quan hệ Mỹ-Trung sau khi Donald Trump Trump đắc cử. Theo ông Shi, tân Tổng thống Mỹ sẽ giải quyết vấn đề quan hệ với Trung Quốc ngay sau khi những tranh cãi xung quanh sắc lệnh hạn chế nhập cư của chính quyền mới tạm thời lắng xuống.
Trước đó, nhiều nhà phân tích Trung Quốc dự đoán rằng chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ có chính sách ngoại giao cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Nội các của ông Trump có một số quan chức có quan điểm “kém thân thiện" với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Rex Tillerson từng phát biểu trước Quốc hội rằng Mỹ cần ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từng kêu gọi Mỹ xây dựng lực lượng hải quân hùng hậu để đối phó với hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong khi đó, 2 lãnh đạo thương mại của ông Trump, gồm luật sư Robert Lighthizer và ông Peter Navarro, đều có chung nhận định rằng Trung Quốc gian lận thương mại. Thậm chí, bản thân tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng gây bất bình cho chính phủ Trung Quốc khi nói về chính sách “Một Trung Quốc” – đề cập đến vấn đề độc lập của Đài Loan.