(ĐSPL) - Hôm 2/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khẳng định, Mỹ sẽ kề vai sát cánh với Hàn Quốc để đối mặt trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Đây cũng được coi như lời đảm bảo cho việc duy trì quan hệ đồng minh giữa hai quốc gia dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trong cuộc hội đàm với quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn, ông Mattis tuyên bố sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ Mỹ- Hàn.
[poll3]1022[/poll3]
Ông Hwang, người đang giữ cương vị quyền Tổng thống sau khi bà Park Geun-hye bị luận tội trong một vụ bê bối tham nhũng, đã kêu gọi tăng sức ép lên Bình Nhưỡng, bao gồm cả việc sử dụng thêm các biện pháp trừng phạt và liên kết thành lập mạng lưới phòng thủ chung.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại cuộc hội đàm ngày 2/2/2017. (Ảnh: Reuters) |
Vào năm 2016, Triều Tiên đã thực hiện hơn 20 vụ thử tên lửa và hạt nhân, bất chấp sự phản đối cũng như các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Gần đây, quốc gia này cũng được cho là đã khởi động lại nhà máy hạt nhân Yongbyon, nơi chuyên sản xuất và chế tạo plutonium.
Trong bài phát biểu hồi đầu năm 2017, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết, nước này đang trong quá trình kiểm tra để phóng một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Cũng trong hôm 2/2, cả hai bên Mỹ-Hàn đã thảo luận việc lên kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (THAAD) tại Hàn Quốc vào cuối năm 2017.
Phía Mỹ cho biết, THAAD được thiết kế để bảo vệ và chống lại khả năng phát triển hạt nhân cùng với tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc triển khai THAAD, vì họ cho rằng nó sẽ làm mất ổn định cân bằng an ninh khu vực. Ông Mattis cho hay: "Sẽ chẳng có hệ thống phòng thủ tên lửa nào, nếu như Triều Tiên không có các hành vi khiêu khích”.
Chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Jim Mattis kéo dài trong vòng 2 ngày. Đây được xem như lần công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc. Ông sẽ tham dự một cuộc hội đàm nữa vào hôm 3/2 trước khi đến Nhật Bản, nhằm tái khẳng định quan hệ đồng minh với Nhật Bản, nơi đóng quân của gần 80 nghìn lính Mỹ.
(Theo Reuters)