Năm 2024, trên thế giới xuất hiện nhiều siêu bão (sức gió tối đa từ 201 km/h trở lên, cấp 16) như Yagi ở Biển Đông, đổ bộ Việt Nam giảm khoảng 2-3 cấp; Gaemi, Krathon đổ bộ vào Trung Quốc; Helene và Milton nối tiếp nhau đổ bộ vào Mỹ. So với các năm trước, số siêu bão nhiều bất thường.
Theo báo An ninh Thủ đô, lý giải nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên khiến lượng hơi nước trong khí quyển gia tăng, điều này tạo điều kiện cho các cơn bão mạnh lên về cường độ và trong tương lai những cơn bão có cường độ mạnh trên cấp 17 sẽ gia tăng.
Cũng theo ông Khiêm, thời gian qua có nhiều bão mạnh (siêu bão) trên thế giới là do tác động của một số yếu tố khí hậu và môi trường.
Thứ nhất là hiện tượng ENSO. Năm 2024 là năm chuyển pha El Nino sang Lania, quá trình chuyển pha nhanh nên đốt nóng và mất cân bằng nhiệt ẩm đại dương đang diễn ra mạnh mẽ, góp phần làm tăng nguồn cung cấp năng lượng cho sự hình thành và phát triển của các cơn bão nhiệt đới.
Thứ hai là biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ của cả đại dương và khí quyển.
Trong điều kiện nước biển ấm lên sẽ cung cấp nhiều hơi nước và năng lượng hơn cho các hệ thống thời tiết, dẫn đến việc hình thành nhiều bão mạnh hơn và cường độ của các cơn bão này cũng tăng lên.
"Chúng ta đã chứng kiến sự bất thường về nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 8 tháng đầu năm nay cao hơn 0,7 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020. Nhiều khả năng năm 2024 sẽ là năm ấm nhất được ghi nhận và khi nhiệt độ tăng lên thì các cơn bão mạnh cũng gia tăng", ông Khiêm cho hay.
Nhận định tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm, ông Khiêm cho biết, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm là 4,5 cơn); trong đó số cơn đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm là 1,9 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam.
Theo ông Khiêm, cần đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông và không loại trừ xảy ra những cơn bão mạnh, báo Dân Trí đưa tin.
ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation để chỉ cả hai hiện tượng El Nino và La Nina.
Trong đó những năm có hiện tượng El Nino hoạt động mạnh thì nắng nóng, khô hạn kéo dài, mùa mưa đến muộn. Lũ lụt ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Đồng thời bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ít hơn trung bình.
Ngược lại, vào những năm có hiện tượng La Nina hoạt động mạnh thì những đợt gió mùa đông bắc hoạt động liên tục với cường độ mạnh.