Trong nhiều tuần, các quan chức Ukraine đã nỗ lực thuyết phục các đồng minh phương Tây của họ đưa ra các hành động quyết liệt hơn nhằm vào đơn vị năng lượng hạt nhân của Nga, cụ thể là tập đoàn Rosatom - tập đoàn độc quyền kiểm soát năng lượng hạt nhân dân sự và kho vũ khí hạt nhân của đất nước.
Được thành lập vào năm 2007, Rosatom là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực làm giàu uranium và phản ứng hạt nhân. Rosatom có 34 dự án xây dựng tại nhiều nơi trên thế giới bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự tăng trưởng kinh tế ổn định của tập đoàn có liên quan trực tiếp đến các quyết định mang tính địa chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Rosatom hiện đang vận hành nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, miền Đông Ukraine, khu vực nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng Nga.
Việc Nga giành quyền kiểm soát khu vực nhà máy Zaporizhzhia đã đưa Rosatom vào "tầm ngắm" của một số nước châu Âu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ cá nhân cấp cao nào liên quan tới tập đoàn năng lượng hạt nhân này bị đưa vào danh sách trừng phạt của phương Tây.
Theo người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC), việc này là do còn sự thiếu đồng thuận về mặt chính trị và họ cũng chưa thấy bằng chứng về sự ràng buộc giữa Rosatom với những nỗ lực của chính phủ Nga.
Người phát ngôn chia sẻ: "Có một yêu tố duy nhất ảnh hưởng tới các lệnh trừng phạt của EU: Sự đồng thuận. Chúng tôi đề xuất những thứ có cơ hội được thông qua. Nếu như một đề xuất không khả thi ngay từ đầu, chúng tôi sẽ không đi theo hướng đó. Đó không phải một quyết định thông minh về mặt chính trị".
Trước đó, vào tháng 9/2022, một nhóm 5 nước châu Âu bao gồm Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ireland đã công khai một bức thư chung, gợi ý một lệnh "cấm hợp tác với công ty năng lượng hạt nhân Nga". Tuy nhiên, đề xuất khi ấy không nhận được sự hưởng ứng và hiện giờ cũng không phải ưu tiên xem xét hàng đầu của EU.
Trên thực tế, việc vận chuyển nhiên liệu hạt nhân của Nga đến nay vẫn được miễn trừ trong các gói trừng phạt của EU.
Maria Shagina, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), chuyên nghiên cứu về các biện pháp trừng phạt kinh tế, tin rằng việc nhắm mục tiêu vào ngành công nghiệp hạt nhân của Nga sẽ là một trong những "biện pháp mạnh mẽ nhất" mà khối có thể thực hiện vào lúc này, khi các lựa chọn về kinh tế và chính trị dần cạn kiệt sau 10 vòng trừng phạt.
Bà Shagina nhận xét: "Việc trừng phạt Rosatom sẽ không có tác động kinh tế lớn đối với nền kinh tế Nga nhưng vẫn là một đòn mạnh đối với Tổng thống Putin".
Bà nói thêm: "Rosatom định vị mình là một công ty hạt nhân dân sự, nhưng sự khác biệt giữa mục đích quân sự và dân sự lại không rõ ràng".
Dù vậy, EU vẫn coi việc áp lệnh trừng phạt vào Rosatom là một quyêt định mang nhiều rủi ro và vấn đề này hiện vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng của đông đảo thành viên khối.
Minh Hạnh(Theo Euronews)