Sáng 26/2, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga. Bao gồm việc siết chặt các hạn chế xuất khẩu liên quan đến các loại hàng hóa có thể sử dụng vào mục đích dân sự và quân sự, cũng như các biện pháp nhằm vào một số thực thể.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu trong gói trừng phạt này gồm thiết bị điện tử, linh kiện máy móc có thể được sử dụng trong UAV, tên lửa, trực thăng hay các hệ thống vũ khí khác của Nga.
Theo EU, gói trừng phạt cũng được thiết kế để cắt giảm thương mại Nga - EU thêm hơn 10 tỷ euro, đồng thời loại bỏ thêm nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, trong đó có ngân hàng tư nhân Alfa Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff.
Danh sách bị trừng phạt lần này bao gồm Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền thuộc Tổng thống Nga, người đứng đầu Cơ quan Liên bang về các vấn đề của khối SNG cùng một số công tố viên của 4 tỉnh vừa bị Nga sáp nhập, cũng như các thành viên của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner.
Ngoài ra, EU còn đưa Alfa-Bank, Tinkoff và Rosbank cũng như Quỹ Giàu có quốc gia vào danh sách đen này. Các hãng truyền thông Nga như Rossiya Segodnya và Sputnik cũng có tên trong danh sách.
Tổng cộng 33 công ty Nga bị trừng phạt. Đa phần các công ty này thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Danh sách trừng phạt đồng thời bao gồm cả 4 công dân Iran bị cáo buộc phát triển và cung cấp UAV cho quân đội Nga sử dụng trong tác chiến ở Ukraine.
Trước đó, Mỹ đã công bố gói biện phạt trừng phạt sâu rộng nhằm vào Nga, nhắm vào các ngân hàng, khai thác mỏ, công nghiệp quốc phòng nhằm vào hơn 200 cá nhân và tổ chức, bao gồm cả Nga và nước thứ ba đang ủng hộ Nga.
Ngày 25/2, một số quốc gia như Anh, New Zealand và Hàn Quốc cũng thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga
Về phần Moscow, trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Nga khẳng định, Nga đã và đang đưa ra nhiều biện pháp, đối sách phù hợp.
Mộc Miên (T/h)