+Aa-
    Zalo

    Vì sao "bà trùm" thi thuê phải nhắn tin cầu cứu?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - N.P.N., "một sinh viên bí ẩn" của trường Ngoại thương ra sức van xin PV đảm bảo sự an toàn cho mình và cho một người tên L.A. đang học K49, từng được N.P.N. môi giới việc thi thuê.

    (ĐSPL) - Sau khi bài viết: "Chuyện lạ về việc "bịt mắt" giám thị coi thi ở đại học Ngoại thương" được đăng tải trên báo Đời sống và Pháp luật vào ngày 12/12/2014, các "mũi điều tra" vẫn âm thầm "cắm" trong ngôi trường được xem là bề thế và uy tín này.

    Thật đáng suy nghĩ và trăn trở cho cách quản lý thiếu trách nhiệm của trường này, khi chúng tôi phát hiện, dân thi thuê đội lốt sinh viên Ngoại thương, vẫn ngang nhiên vào ngồi cả trong văn phòng khoa thi thuê mà không một cán bộ nào hay biết?! Sau khi bài báo được đăng tải, "siêu cò" N.P.N., "một sinh viên bí ẩn" của trường Ngoại thương ra sức van xin PV đảm bảo sự an toàn cho mình và cho một người tên L.A. đang học K49, từng được N.P.N. môi giới việc thi thuê.

    Những tin nhắn "thú tội"

    Để có được những thông tin về việc "siêu cò" bí ẩn N.P.N. trong trường Ngoại thương van xin sự an toàn cho người được môi giới mang tên L.A. và bản thân, các mũi phóng viên "cài cắm" trong các "băng đảng" học hộ - thi thuê bỏ ra hàng tuần trời theo sát một nữ đối tượng thi thuê có "máu mặt" trong giới. Theo đánh giá của nhiều thành viên trong các đường dây và hệ thống tổ chức học hộ - thi thuê ở hàng loạt trường đại học, người có tên H.K.A. đặc biệt ưa chuộng thi thuê và học hộ cho sinh viên trường Ngoại thương, bởi giá mỗi ca "liều mình dấn thân vào phòng thi" trong trường này trót lọt thường được trả công khá hậu hĩnh.

    Đối tượng thi thuê trong trường Ngoại thương tỏ ra coi thường cách quản lý giáo dục và đào tạo của trường này, sẵn sàng vào cả văn phòng khoa ngồi thi thuê kiếm tiền. 

    Vẫn với chiêu bài "cài" người thuê trọ cùng, chúng tôi nhanh chóng xác minh thông tin cơ bản về đối tượng này. Cái tên H.K.A. chỉ là cái tên giả, do đối tượng tự đặt ra để che đậy đi quá khứ không êm đềm của mình. Cô tên thật là T.A.P., từng là sinh viên của trường Ngoại thương, do yêu đương quá sớm, phải cưới gấp. Vướng vào chuyện gia đình, cô bỏ bê việc học, sau đó bị nhà trường đình chỉ. Có chút vốn tiếng Anh, ban đầu cô bước vào nghề thi thuê chỉ với suy nghĩ kiếm sống qua ngày, nhưng khi dịch vụ này nở rộ, cô coi nó là một cái nghề để mưu sinh.

    Nhận được sự cảm thông từ "mũi điều tra viên" chúng tôi "cài cắm", cô tin tưởng kể khá chi tiết về quãng đời học hộ, thi thuê "hoành tráng" của mình. Như cô chia sẻ, không còn một trường nào là cô chưa trải qua. Mỗi lần thi thuê tại các trường đại học với cô là một kỷ niệm khó quên. Và không hề hay biết người bạn cùng phòng là phóng viên đang âm thầm theo dõi mọi hoạt động của mình, cô bật mí, từ hôm (ngày 14/12/2014) trên mạng xuất hiện bài báo: "Chuyện lạ về việc "bịt mắt" giám thị coi thi ở đại học Ngoại thương" khiến cô hết sức lo lắng, vì rất có thể sinh viên trường này sẽ không dám thuê người ngoài vào thi, cô sẽ mất đi một cơ hội kiếm tiền ổn định.

    Không giấu giếm gì "người bạn đồng cảm", cô mượn điện thoại đăng nhập facebook và cho "nữ điều tra viên" của nhóm đọc những dòng tin của "siêu cò" N.P.N. trong trường Ngoại thương van xin mình đừng để lộ thông tin về bản thân cũng như những sinh viên do N.P.N. môi giới: P. (tên thật của H.K.A.) ơi, tớ... đây. Cho tớ số điện thoại nhé, tớ cần nói chuyện với cậu về vụ ở trường mình. Cái gì qua rồi thì thôi, tớ không trách cậu, nhưng bây giờ L.A., người cậu thi hộ lại bị nhà trường gọi lên điều tra, nên nếu bạn ấy khai ra 2 môn nhờ cậu thì chắc chắn sẽ bị đình chỉ học. Bây giờ, tớ chỉ muốn nhờ cậu là nếu có ai hỏi đến thì chỉ nói là đã thi hộ L.A. môn tiếng Anh 6 thôi, còn tiếng Anh 7 là bạn ấy thi nhé. Cũng không mất gì của cậu mà bạn ấy lại đỡ được tội. Cậu đọc tin nhắn thì trả lời lại cho tớ. Cho tớ số điện thoại để tớ nói chuyện cụ thể nhé. Chứ L.A. đang học năm 3 mà ra trường muộn nữa thì khổ thân lắm. Giúp tớ nhé!".

     Sinh viên trong trường van xin bưng bít thông tin học hộ, thi thuê trên facebook.

    "Cụ thể nếu có ai hỏi thì cậu bảo là cậu thi giúp L.A. môn tiếng Anh 6, còn tiếng Anh 7, bạn ấy thấy trường mình coi nghiêm, nên sợ không nhờ cậu nữa: "Còn tại sao L.A. biết cậu thì là vì bạn ấy tìm trên mạng. Bạn ấy cũng muốn giấu tớ, vì tớ cũng giúp bạn ấy nhiều rồi ấy, nên cậu cứ nhận như vậy hộ tớ nhé. Không mất gì của cậu và cậu còn giúp được 2 người ấy. Những việc đã diễn ra rồi, coi như xí xóa...", N.P.N nhắn tiếp.

    "Híc, tớ vừa gọi cho L.A., bạn ấy nhận hết rồi, tức là nói với cô là tìm người thi 2 môn ấy. Thế thôi, cậu không cần nói nữa, nhưng nếu có ai hỏi thì đừng nói tớ ra là được, vì tớ vẫn đi học nên tớ sợ lắm. Tớ sẽ gửi cậu 400 nghìn đồng, cậu đừng khai tớ ra (không cho số điện thoại, facebook...) là được. Vì nghe nói, có... về trường mình điều tra, nếu tớ "dính" vào chắc chắn bị đuổi học vì tội môi giới này nọ mất", N.P.N. nhắn với giọng năn nỉ.

    Ngang nhiên vào văn phòng khoa thi hộ?

    Những ngày tiếp theo, "mũi điều tra viên" tiếp tục bám sát P. và phát hiện, ngoài việc P. được T.A. nhiều lần đi học hộ, P. còn đi kiểm tra giữa kỳ môn tiếng Anh cơ sở 7 vào hồi 16h20' ngày 19/12/2014. Đồng thời lên lịch sẵn cho đợt thi cuối kỳ và hoàn thiện trọn gói môn Dịch hợp đồng vào ngày 05/01/2015. Hài hước hơn, vào khoảng 15h ngày 26/12/2014, T.A. còn nhờ P. đi học hộ môn tiếng Anh cơ sở 7. Do là buổi cuối, nên buổi học chỉ diễn ra khoảng 1 tiếng, sau đó cả lớp giao lưu với giảng viên. P. thản nhiên ngồi ăn uống và liên hoan văn nghệ cùng lớp học mà không ai hay biết?! Đến cuối buổi liên hoan, bạn của T.A. gặp P. trả 50 nghìn đồng tiền thuê. Theo như người này giải thích, đây là số tiền T.A. thuê P. đi liên hoan hộ(?!).

    Cũng vì cách quản lý lỏng lẻo mà trước đó "mũi điều tra" "cắm" tại phòng trọ của P.: "P. sẽ đi làm bài kiểm tra giữa kỳ 1 môn Thư tín thương mại cho sinh viên V.P.T. (mã sinh viên 1111110xxx) vì thi lần 1, T.A. làm bài được 4 điểm, phải thi lại", chúng tôi tập trung "2 mũi điều tra" "nằm" sẵn trong khuôn viên trường. Ca thi có một không hai tại trường Ngoại thương này đúng lịch sẽ diễn ra vào khoảng 14h, nhưng do giáo viên đi muộn, ca thi phải lùi xuống đến 15h cùng ngày.

    Trước giờ thi chừng 10 phút, P. xuất hiện tại cổng trường. Lập tức "mũi điều tra" số một mật báo cho mũi thứ hai tiếp cận đối tượng như mô tả. Bám sát, không rời mắt khỏi đối tượng, nhưng những người theo dấu P. được một phen hoảng hồn. Tất cả đều lắc đầu ngán ngẩm về độ liều lĩnh của đối tượng này. Khác với những lần theo dấu các đối tượng khác, lần này P. đột nhập làm bài ngay trong văn phòng khoa KT- ĐN..., nơi có hàng chục giáo viên thường xuyên qua lại?! Thứ nhất sẽ rất khó tiếp cận. Thứ hai, khả năng P. bị giáo viên trong khoa phát hiện rất cao. Nhưng những lo lắng thành thừa. Buổi thi ngay trong văn phòng khoa diễn ra trót lọt, sau khi làm bài xong, P. thản nhiên nộp bài thi và bình yên rời khoa mà không gặp bất kỳ trở ngại nào?

    Không có tinh thần cầu thị, thách thức báo chí

    Trong buổi làm việc với PV, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, đại học Ngoại thương, tỏ thái độ bất hợp tác với báo chí. Đáng nói, trong khi PV đang làm việc với lãnh đạo phòng thì một số nhân viên của phòng này liên tục đi lại và có những lời lẽ không hay với PV báo Đời sống và Pháp luật. Đặc biệt, chưa cần biết thông tin các PV mang đến là gì, một cán bộ trong phòng Quản lý và Đào tạo đã phát biểu ý kiến, sẽ có công văn "kiện báo" vì đưa thông tin chưa khách quan?! Đồng thời, nữ cán bộ này cũng cho rằng, nội dung báo phản ánh nên đưa sang bên công an làm rõ???

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-ba-trum-thi-thue-phai-nhan-tin-cau-cuu-a78764.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bùng nổ phong trào học hộ, thi hộ và... ốm hộ

    Bùng nổ phong trào học hộ, thi hộ và... ốm hộ

    Không phải là hiện tượng quá mới, nhưng “học hộ, thi hộ” đã trở nên công khai và phổ biến trong giới sinh viên, kéo theo các dịch vụ “ăn theo” như làm giả thẻ sinh viên, giấy khám bệnh... để phục vụ sinh viên trốn học.