Minh Anh Tông là vị vua hiếm hoi trong lịch sử phong kiến Trung Quốc khi lên ngôi vua hai lần. Lần đầu tiên là khi còn nhỏ và ở ngôi cho đến năm 22 tuổi. Lần thứ hai là khi ông đã 30 tuổi và làm hoàng đế cho đến khi ngã bệnh, qua đời năm 38 tuổi.
Minh Anh Tông được hậu thế đánh giá là một vị vua chung thủy, có tình nghĩa, nhất là đối với người vợ đầu tiên của mình. Mặc dù sau này bà có trở nên bệnh tật, tàn phế nhưng Minh Anh Tông vẫn giữ ngôi Hoàng hậu cho bà và đối xử với bà càng thâm tình. Thậm chí, trước khi ra đi ông còn hạ lệnh hợp táng cùng bà trong cùng một lăng mộ.
Người phụ nữ đó chính là Hiếu Trang Duệ Hoàng hậu hay Tiền Hoàng hậu, hoàng hậu duy nhất của hoàng đế Minh Anh Tông. Ông luôn hết mực yêu thương dù bà có trở nên tàn phế, thậm chí trước khi ra đi ông còn hạ lệnh sau này hợp táng bà cùng một lăng mộ.
Tiền Hoàng hậu, xuất thân từ vùng Hải Châu, có cha là một quan võ thuộc hàng Chính nhị phẩm. Mùa xuân năm Chính Thống thứ 7 (1442), Tiền thị thông qua kỳ tuyển tú nhập cung được chọn làm Hoàng hậu khi 15 tuổi.
Đại điển sắc phong nhanh chóng được cử hành hết sức long trọng; về phần nhà vua có được người vợ thông tuệ, hết mực nết na thì rất vui sướng. Hai người sống những ngày tháng tân hôn vô cùng hạnh phúc, vui vẻ.
Một lần, Minh Anh Tông chợt để ý rằng gia tộc của Hoàng hậu đều chỉ giữ những chức quan khá tầm thường, không quan trọng. Thế nên ông muốn cất nhắc, phong tước một số người trong gia tộc Tiền thị để Hoàng hậu được nở mày nở mặt. Thế nhưng khi nhà vua đề cập việc này với Hoàng hậu thì Hoàng hậu ngay lập tức từ chối.
Bà nói rằng, trong gia tộc, chưa ai có công lao, đóng góp to lớn trong triều đình hoặc có tài năng xuất chúng để xứng đáng được phong tước cả. Về sau, nhà vua cũng nhắc lại việc này thêm vài lần nữa và lần nào Hoàng hậu cũng một mực khước từ; qua đó mà Anh Tông càng hiểu thêm về tấm lòng và tính cách công bằng, chính trực của bà. Tình cảm Đế - Hậu từ đó mà càng trở nên sâu nặng, thắm thiết.
Đến thời Minh Anh Tông, quân đội nhà Minh trở nên suy yếu. Trong khi đó, quân Mông Cổ mạnh như vũ bão, luôn lăm le bờ cõi quốc gia.
Minh Anh Tông quyết định thân chinh cầm quân ra trận, mặc cho sự can ngăn của các đại thần trong triều. Thế nhưng vì tin nhầm nịnh thần nên binh lính bị thiệt hại nặng nề, thậm chí Minh Tông còn bị giặc bắt.
Chồng bị bắt làm tù binh, anh và em trai đều bỏ mạng nơi chiến trường, Tiền Hoàng hậu đau đớn chẳng thiết sống. Là một người phụ nữ, chẳng thể làm gì để cứu vãn tình hình, bà đành giam mình chốn hậu cung ngày ngày quỳ gối trước Phật, thành tâm khẩn cầu hy vọng trượng phu có thể bình an trở về.
Suốt một thời gian dài cầu khấn, mùa đông với cái lạnh cắt da cắt thịt đã khiến tình hình sức khỏe của Tiền Hoàng hậu suy giảm đến mức không thể tự đứng dậy được. Không ngừng quỳ lạy bất kể ngày đêm, không ngừng khóc thương người chồng đang bị bắt, vậy nên một chân bà đã bị thương nặng dẫn đến tàn phế, một con mắt cũng đã bị mù. Năm đó, bà mới chỉ 24 tuổi.
Trong thời gian Vua Anh Tông bị bắt, Tôn thái hậu gấp gáp lập em trai của Minh Anh Tông là Chu Kỳ Ngọc lên ngôi. Tuy đã có hoàng đế mới nhưng một số đại thần vẫn không ngừng nỗ lực giải cứu Anh Tông. Cuối cùng sau nhiều năm, họ cũng cứu được đức vua trở về.
Gặp lại Tiền thị, nhà vua không khỏi xót xa. Bà giờ đã tàn phế, dung mạo tiều tụy nhưng tấm chân tình của bà vô cùng đáng quý.
Vài năm sau, Minh Đại Tông không may mắc bệnh. Tình hình trở nên nguy kịch, một số đại thần đã khẩn cầu Minh Anh Tông quay về trị vì đất nước. Một lần nữa, Minh Anh Tông lên ngai vàng, trở thành Hoàng đế.
Sau khi Anh Minh lên lại ngai vàng, ông cần sắc phong một vị Hoàng hậu mới. Dù nhà vua hết mực yêu thương nhưng suốt thời gian sinh sống cùng nhau, Tiền Hoàng hậu vẫn không thể sinh cho ông một người con trai nào. Vì vậy mọi người đều nghĩ ngôi Hoàng hậu sẽ thuộc về quý phi Chu thị, người đã sinh ra trưởng tử Chu Kiến Thâm.
Bất ngờ thay, Minh Anh Tông vẫn sắc phong cho Tiền thị lên ngôi Hoàng hậu. Tình nghĩa sâu nặng và tấm lòng sắt son của Tiền thị đã khiến Hoàng đế luôn mực trân quý, yêu thương bà dù có tàn tật.
Bảy năm sau, vua Minh Anh Tông yếu đi và ngã bệnh. Lo lắng cho cuộc sống của Tiền thị khi không còn mình bên cạnh, Minh Anh Tông đã ra chỉ dụ: "Hoàng hậu tha nhật thọ chung, nghi hợp táng", tức khi Tiền thị ra đi phải dùng danh nghĩa hoàng hậu mà chôn cùng lăng tẩm với ông.
Bốn năm sau khi vua Minh Anh Tông qua đời, Tiền Thái hậu cũng ra đi ở tuổi 42. Song lúc này Chu Thái hậu đã ngang nhiên bất tuân di mệnh của tiên đế, không cho Tiền Thái hậu hợp táng với Minh Anh Tông. Các đại thần trong triều thấy vậy liền khóc lóc ngoài cửa thành Văn Hoa để gây sức ép. Cuối cùng lăng tẩm được phân thành ba điện để Chu Thái hậu và Tiền Thái hậu cùng được an táng chung với tiên đế.
Tuy nhiên, Chu Thái hậu vẫn bí mật sai người bịt kín đường thông giữa điện của Minh Anh Tông và Tiền Thái hậu. Đến khi sự thật được tiết lộ, Minh Hiếu Tông đã có ý sửa lại nhưng không được nên phần mộ của Tiền Thái hậu mãi mãi không được thông suốt với phần mộ của chồng.
Mộc Miên (T/h)