+Aa-
    Zalo

    Vay tiền ngân hàng: Đừng chỉ nhìn lãi suất

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi vay tiền ngân hàng, nhiều khách hàng cá nhân thường chỉ quan tâm xem mức lãi suất ngân hàng đưa ra mà ít để ý đến phương thức trả lãi như thế nào...

    (ĐSPL) - Khi đi vay tiền ngân hàng, nhiều khách hàng cá nhân thường chỉ quan tâm xem mức lãi suất ngân hàng đưa ra mà ít để ý đến phương thức trả lãi như thế nào, điều kiện ràng buộc ra sao nên dễ rơi vào tình huống “bút sa gà chết”, chịu rủi ro về lãi suất sau khi đặt bút ký hợp đồng.

    Thông tin trên báo Thanh niên, khi đi vay tiền ngân hàng, không ít khách hàng cá nhân thường chỉ quan tâm xem mức lãi suất ngân hàng đưa ra mà ít để ý đến phương thức trả lãi như thế nào. Trong khi đó, phương thức trả lãi quyết định không nhỏ đến việc khoản vay đó đắt hay rẻ.

    Hiện có hai cách tính lãi vay: tính trên dư nợ giảm dần hoặc tính lãi suất trên dư nợ ban đầu. Tùy theo mỗi cách tính mà số tiền người vay phải trả ngân hàng khác nhau. Chẳng hạn, một khoản vay 100 triệu đồng, thời gian vay 3 năm, lãi suất vay 12\%/năm tính trên dư nợ giảm dần, trong tháng vay đầu tiên khách hàng trả ngân hàng gốc và lãi khoảng 3,8 triệu đồng. Do số tiền gốc trả dần hằng tháng được trừ đi nên tháng cuối cùng số tiền gốc và lãi mà khách hàng phải trả cho NH chỉ khoảng 2,8 triệu đồng. Trong trường hợp lãi suất vay cố định 3 năm (thường lãi suất vay tính trên dư nợ giảm dần sẽ thay đổi 3 hoặc 6 tháng 1 lần), phần lãi mà khách hàng phải trả cho khoản vay 100 triệu đồng là 18,5 triệu đồng.

    Cũng với số tiền vay 100 triệu đồng, thời gian vay 3 năm nhưng lãi suất cho vay là 8,5\%/năm, phương thức tính lãi trên dư nợ ban đầu, mỗi tháng khách trả gốc và lãi ngân hàng khoảng 3,5 triệu đồng. Số tiền này trả đều hằng tháng nên tính ra trong 3 năm, số lãi mà khách hàng trả ngân hàng khoảng 25,5 triệu đồng.

    Khi đi vay tiền ngân hàng, nhiều khách hàng cá nhân thường chỉ quan tâm xem mức lãi suất ngân hàng đưa ra mà ít để ý đến phương thức trả lãi như thế nào, điều kiện ràng buộc ra sao. (Ảnh minh họa).

    “Khi tiếp cận với ngân hàng để làm hồ sơ vay, khách hàng thường hay nhìn vào mức lãi suất cho vay ngân hàng đưa ra mà ít quan tâm đến phương thức trả lãi như thế nào. Một số người bị con số “đánh lừa”, vì cứ nghĩ mức lãi suất thấp hơn thì trả lãi ít hơn. Qua ví dụ trên cho thấy, mức lãi suất vay chỉ 8,5\%/năm nhưng khách hàng lại phải trả tiền lãi ngân hàng nhiều hơn mức lãi suất 12\%/năm. Vấn đề nằm ở chỗ phương thức tính lãi trên dư nợ ban đầu hay giảm dần, vì thế người vay cần lưu ý kỹ điều này trước khi ký hợp đồng vay vốn”, Trưởng phòng quản lý tín dụng cá nhân một ngân hàng cổ phần ở TP.HCM phân tích.

    Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý phương pháp tính lãi trên dư nợ giảm dần hay ban đầu đều có ưu điểm và khuyết điểm. Với cách tính trên dư nợ ban đầu, mức lãi suất sẽ được duy trì suốt thời gian vay, số tiền trả hằng tháng được cố định mà không cần phải tính toán lại từng tháng. Tuy nhiên, nếu khách chọn phương thức này, mức lãi suất vay phải thật sự thấp hơn nhiều so với dư nợ giảm dần được áp dụng tại cùng thời điểm; đồng thời không nên chọn thời gian vay quá dài. Thời gian vay càng dài đồng nghĩa với số tiền lãi mà khách hàng phải trả càng cao, tỷ lệ lãi trên vốn ở mức khó chấp nhận.

    Trường hợp khách chọn vay theo phương pháp tính lãi trên dư nợ giảm dần, số tiền lãi phải trả NH dựa vào số tiền gốc thời điểm đó. Tuy nhiên, người vay gặp phải rủi ro là lãi suất  vay sẽ thay đổi vào những tháng sau đó, không thể dự trù được vì ngân hàng luôn áp lãi suất theo từng thời điểm thực tế và… có lợi cho NH. Thực tế, thời gian qua có những trường hợp khi khách hàng vay, lãi suất ban đầu chỉ 11 - 12\%/năm nhưng sau đó LS lên đến 24 - 25\%/năm, dẫn đến tiền lãi trả NH tăng chóng mặt. Một khi lâm vào tình cảnh khó trả nợ, không trả nợ đúng hạn, khách có thể sẽ bị NH tính lãi phạt cao.

    Phương thức trả lãi, điều kiện ràng buộc quyết định không nhỏ đến việc khoản vay đó đắt hay rẻ. (Ảnh minh họa).

    Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, do có nhu cầu xây nhà, đầu năm nay chị Ngân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tìm đến một ngân hàng TMCP trên địa bàn để tìm hiểu và được ngân hàng đưa ra ba mức lãi suất tùy theo thời gian cố định lãi suất.

    Theo đó, nếu cố định một năm, lãi suất là 7,5\%/năm, cố định hai năm là 8,5\%/năm và 9,5\%/năm nếu cố định ba năm. Dù mức  lãi suất này khá “mềm” so với mức  lãi suất chung cùng thời điểm, nhưng tìm hiểu kỹ chị Ngân phát hiện ngân hàng đưa ra rất nhiều điều kiện ràng buộc.

    Cụ thể, trong khi một số ngân hàng khác cho trả nợ trước hạn mà không tính phí trả nợ trước hạn, ngân hàng này yêu cầu khách vay không được trả nợ trước hạn hai năm nếu chọn gói cố định  lãi suất một năm. Tương tự, với gói cố định  lãi suất hai năm, không được trả trước hạn ba năm.

    Nếu trả trước hạn, ngoài việc phải trả lãi suất phạt, người vay còn bị thu hồi toàn bộ ưu đãi đã hưởng trước đó. Do mức  lãi suất cho vay thông thường với khách hàng cá nhân của ngân hàng này là 10,5-11\%/năm, số tiền bị thu hồi sẽ không phải ít.

    Chưa kể, thay vì chỉ tính tỉ lệ nhất định nhân với số tiền trả nợ trước hạn, ngân hàng này còn nhân thêm với số kỳ trả nợ trước hạn dẫn đến số tiền phạt trả nợ trước hạn sẽ cao hơn. Ngoài ra, người vay vẫn phải mua bảo hiểm cho khoản vay, phải làm thẻ để hằng tháng nộp tiền trả nợ và đăng ký Internet banking... làm phát sinh thêm chi phí.

    Theo chị Ngân, nhân viên tư vấn hầu như chẳng đả động gì đến những ràng buộc này cho đến thời điểm ra công chứng hợp đồng. “Nếu tính đầy đủ những khoản này, mức  lãi suất thực tế sẽ cao hơn so với quảng cáo” - chị Ngân nói.

    Thực tế với lãi suất huy động liên tục tăng, các NH buộc phải tìm cách “tự bảo vệ” mình, đẩy rủi ro  lãi suất cho khách hàng. Nhiều ngân hàng đưa ra  lãi suất cho vay ban đầu rất thấp nhưng chỉ cố định trong vòng ba tháng đầu, sau đó  lãi suất được áp theo mức  lãi suất huy động 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ do ngân hàng quy định, thay đổi mỗi ba tháng một lần.

    Đặc biệt, biên độ cộng thêm hiện lên tới 4-5\%, thay vì phổ biến ở mức 3,5\% như trước. Nhiều ngân hàng còn tự thay đổi biên độ cộng thêm mà không thông báo trước. Theo các chuyên gia, ngoài lãi suất do ngân hàng chào mời, người dân nên tìm hiểu kỹ các điều kiện kèm theo để tránh bị rơi vào tình huống “bút sa gà chết”, chịu rủi ro về lãi suất sau khi đặt bút ký hợp đồng.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vay-tien-ngan-hang-dung-chi-nhin-lai-suat-a137285.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan