(ĐSPL) - Tình trạng ban hành quy định không có hiệu lực thực tế không chỉ gây lãng phí về nguồn lực, kinh phí ngân sách, hậu quả khôn lường, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tinh thần của xã hội, nguy hại hơn là sự mất niềm tin của người dân vào hiệu quả quản lý, điều hành, gián tiếp tiếp tay cho tâm lý “nhờn luật”, không tự giác tuân thủ pháp luật.
Xung quanh vấn đề này, PV báo Đời sống và Pháp luật có cuộc trao đổi với luật sư Hà Thị Thanh, Giám đốc Công ty Luật Song Thanh.
LS. Hà Thị Thanh. |
Không thể áp đặt ý chí chủ quan
Bà đánh giá như thế nào về thực trạng có hơn 600 văn bản ban hành trái căn cứ, thể thức trong thời gian vừa qua?
Đó là con số quá lớn đáng báo động. Những văn bản pháp luật bất hợp lý, thiếu tính khả thi một phần xuất phát từ thực trạng cơ quan hành chính đang làm thay công việc của cơ quan lập pháp. Một số nước trên thế giới, cơ quan lập pháp có bộ phận chuyên trách soạn thảo các dự án luật để trình Quốc hội thông qua, còn nước ta việc soạn thảo các dự án luật đều do các bộ ngành, địa phương, các cơ quan hành pháp của Chính phủ đảm nhận.
Bởi vậy mới có chuyện bộ, ngành nào muốn ra văn bản thì ra mà không thực hiện đầy đủ quy định về khảo sát, lấy ý kiến đối với các dự thảo văn bản theo luật. Đối tượng chịu sự tác động trước tiên của các văn bản pháp luật là người dân, cơ quan tổ chức trong xã hội chứ không phải một bộ phận nào đó. Nguyên nhân một phần do lợi ích nhóm, nhóm ngành bởi khi chắp bút ban hành văn bản pháp luật sẽ nhằm lợi ích cho ngành mình. Những văn bản pháp luật như vậy sẽ chỉ nhìn nhận ở góc độ, phạm vi hẹp nên rất dễ trái luật, thiếu tính khả thi.
Phải chăng, các văn bản dưới luật đã xây dựng trên góc độ của “nhà quản lý” dẫn đến tình trạng xa rời thực tế, thưa bà?
Thực tế, nhiều văn bản pháp luật ở Việt Nam, đặc biệt là các văn bản dưới luật đã xây dựng luật trên góc độ, tầm nhìn của “nhà quản lý”, mà mục tiêu chủ yếu để thuận tiện cho việc quản lý. Chính vì thế người làm luật đã không tuân theo những nguyên tắc cơ bản của việc ban hành văn bản pháp luật. Chức năng của pháp luật là điều chỉnh các quan hệ xã hội, thực hiện vai trò quản lý Nhà nước. Pháp luật phải xuất pháp từ cuộc sống, đó là nguyên tắc quan trọng trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các văn bản này cũng phải đảm bảo tính khách quan, tính khả thi trên thực tế.
Nếu nhà làm luật không tuân thủ nguyên tắc này mà chỉ muốn áp đặt ý chí chủ quan để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, xa rời thực tiễn cuộc sống thì hậu quả tất yếu sẽ ban hành ra những văn bản với những quy phạm “trên trời”, phi thực tế. Và hậu quả của những văn bản sẽ rất khó lường, ảnh hưởng đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Người dân sẽ không còn tin vào pháp luật, sẽ gây ra hiệu ứng “nhờn luật”, tự tôn pháp luật sẽ không còn được nghiêm minh.
Còn lợi ích nhóm, còn văn bản “trên trời”
Những văn bản gây bức xúc trong dư luận, bị phản ứng dữ dội, thậm chí có văn bản chưa thực hiện đã phải sửa, theo bà nguyên nhân do trình độ của những người xây dựng luật hay từ đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những văn bản vừa mới ban hành đã “chết yểu”, hoặc vừa áp dụng được một thời gian ngắn đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung thay thế. Yếu tố con người vô cùng quan trọng. Thực tế trình độ của một số cán bộ, nhà làm luật chưa có chuyên môn phù hợp, chưa chuyên nghiệp, năng lực còn hạn chế, còn nặng cái tôi cá nhân trong việc xây dựng pháp luật và quy trình ban hành văn bản pháp luật. Cái cố hữu mà những văn bản “trên trời” là vẫn mang nặng tính hình thức, bệnh thành tích.
Sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thẩm định, kiểm tra đôn đốc việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ. Đây là khâu quan trọng không thể thiếu nhằm phát hiện những thiếu sót, vi phạm, hạn chế... để khắc phục những điểm xung đột nội tại của văn bản sắp được ban hành với các văn bản luật, Hiến pháp hiện hành. Bảo đảm tính khả thi và hiệu lực, hiệu quả của văn bản khi áp dụng trong đời sống xã hội.
Để khắc phục được tình trạng văn bản ban hành thiếu tính khả thi, trái pháp luật, cần có những giải pháp nào, thưa bà?
Tôi cho rằng cần phải tách bạch giữa những người làm luật và người làm công tác quản lý. Cần phải xóa bỏ tình trạng cơ quan hành pháp “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không thể tùy tiện ban hành những văn bản pháp luật một cách thiếu chuyên nghiệp trong việc xây dựng, thực thi pháp luật.
Tiếp đến, cần phải chú trọng vào khâu con người, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, chế độ đãi ngộ hợp lý, đảm bảo tư duy pháp luật trong sáng, trung lập, khách quan khoa học trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản.
Đồng thời, cần sửa đổi quy định của pháp luật theo hướng đảm bảo hiệu lực thực tế ý kiến thẩm định, quy định chặt chẽ về quy trình lấy ý kiến, đặc biệt là ý kiến của đối tượng bị tác động. Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm của cơ quan và cá nhân chịu trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản và trong điều kiện khả thi. Ngoài ra, cần sớm hình thành cơ chế đánh giá tác động, hiệu quả của các quy định pháp luật được ban hành.
Nếu giải quyết được những yêu cầu trên thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng những văn bản “trên trời” xảy ra trong thời gian vừa qua.
Trân trọng cảm ơn bà!