Trong thời gian vừa qua, Ban biên tập báo Đời sống và Pháp luật đã nhận được rất nhiều phản ánh của độc giả về việc xuất hiện các website sao chép tin bài cũng như những chi tiết trong giao diện, thiết kế phiên bản điện tử của báo Đời sống và Pháp luật (doisongphapluat.com.vn). Cụ thể, đó là những website có địa chỉ baophapluatdoisong.com và phapluatdoisong.com.
Ngay từ phần địa chỉ, hai website trên đã cố tình nhái lại Đời sống và Pháp luật Online khi đổi từ cụm từ "doisongphapluat" thành "phapluatdoisong" và "baophapluatdoisong". Tình trạng này cũng lặp lại ở logo của các website trên khi bắt chước gần như y nguyên kiểu dáng và thiết kế của Đời sống và Pháp luật Online.
Sao chép gần như y nguyên logo và cách bố trí chuyên mục trên Đời sống và Pháp luật Online. |
Không dừng lại ở đó, hai trang web này còn tự ý đăng tải các tin/bài độc quyền trên báo Đời sống và Pháp luật khi chưa có sự cho phép của Ban biên tập. Trắng trợn hơn, những bài báo do chính báo Đời sống và Pháp luật sản xuất khi bị lấy lại đều không được ghi nguồn, qua đó khiến người đọc dễ tin rằng đây là các nội dung do chính những trang web này thực hiện.
Trước tình trạng trên, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã tiến hành điều tra vụ việc. Theo thông tin thu thập được, tên miền baophapluatdoisong.com và phapluatdoisong.com cũng như máy chủ chứa nội dung của website đều được đặt tại nước ngoài.
Lần theo địa chỉ "368 Cao Thắng, P.12, Q.10, Tp. Hồ Chí Minh" được ghi dưới chân trang của baophapluatdoisong.com và phapluatdoisong.com, các phóng viên đã xác minh được đây là địa chỉ giả mạo, không thuộc về cá nhân hoặc đơn vị sở hữu hai website trên.
Địa chỉ được ghi trên website giả mạo thuộc về một cơ sở dạy ngoại ngữ. |
Theo đó, địa chỉ này hiện thuộc về một cơ sở dạy ngoại ngữ, nhân viên làm việc ở đây cho biết họ thuê nguyên cả ngôi nhà đã được 2 năm. Ngoài ra, những người ở đây cũng cho biết trong thời gian vừa qua đã có nhiều thư và bưu phẩm gửi đến nhưng không có người nhận, bưu điện đành thu hồi lại và trả về chủ gửi đi.
Khi phóng viên liên lạc đến các số hotline được ghi trên 2 website trên, với số máy bàn (84- 83777888) đã có một giọng nam nói tiếng Bắc cho biết tòa soạn của bên này ở ngoài Bắc, chưa có văn phòng ở trong Nam. Còn khi gọi tới số di động (+84-924968191) nhiều lần vẫn không thấy tín hiệu trả lời. Việc liên hệ qua email cũng không nhận được hồi âm.
Nhận thấy tính nghiêm trọng của vụ việc, ảnh hưởng lớn tới uy tín của báo Đời sống và Pháp luật trong lòng độc giả, Ban biên tập đã phản ánh lên Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Thanh tra Bộ sẽ chỉ đạo gắt gao các bộ phận có liên quan nhằm làm rõ vụ việc này. Việc ngăn chặn tình trạng các website giả mạo báo chí luôn là ưu tiên hàng đầu của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông. Nếu việc giả mạo gây ra hậu quả nghiêm trọng, Thanh tra Bộ sẽ đề nghị cơ quan công an vào cuộc.
Địa chỉ và giấy phép đều là giả. |
Ngoài ra, trên các website baophapluatdoisong.com và phapluatdoisong.com cũng ghi chú rõ ràng có giấy phép số 168/GP-TTĐT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 29/09/2013.
Trong quá trình xác minh nguồn gốc của giấy phép này, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, giấy phép trên không được cấp cho các website baophapluatdoisong.com và phapluatdoisong.com, thông tin được ghi trên hai website nói trên là hoàn toàn giả mạo.
Các diễn biến tiếp theo của vụ việc giả mạo này sẽ được báo Đời sống và Pháp luật cập nhật tới độc giả.