Những ngày gần đây, hàng loạt quán cà phê ở nhiều địa phương áp dụng việc đổi mã QR số tài khoản ngân hàng của quán thành tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam với mong muốn có thêm tiền hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của bão yagi và ngập lụt, lũ quét, sạt lở...
Theo đó, mã QR tài khoản ngân hàng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận tiền ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai được đặt ở những nơi dễ nhận thấy trong quán. Khách hàng khi thanh toán hóa đơn thay vì chuyển tiền vào tài khoản của quán thì được đề nghị quét mã này qua ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử.
Thông tin trên VTC News, Nhẹ Cafe - chuỗi cửa hàng cà phê lớn tại Bắc Ninh là một trong những địa chỉ đi đầu xu hướng khách hàng trả tiền đồ uống vào tài khoản nhận ủng hộ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Giám đốc Marketing Đỗ Thùy Dung cho biết, sau khi chuyển 20 triệu đồng đến MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh sau bão Yagi, ban lãnh đạo công ty muốn lan tỏa mạnh mẽ hơn tinh thần tương thân tương ái đến toàn bộ khách hàng nên chọn cách trên, dành toàn bộ doanh thu của ngày thứ Bảy (14/9) tại một cơ sở đông nhất của chuỗi để ủng hộ đồng bào bão lũ.
"Chúng tôi hy vọng với hình thức này, nhiều người sẽ cảm thấy thuận tiện và dễ dàng hơn trong việc ủng hộ. Một ly cà phê mỗi ngày chỉ đáng vài chục nghìn đồng, nhưng nếu kết hợp thêm một tấm lòng, nó sẽ mang lại nhiều giá trị hơn thế", bà Dung nói.
Nhiều quán cà phê khác trên cả nước cũng đã áp dụng "hành động đẹp" này.
Tại TP.HCM, khi đi uống nước cuối tuần tại quán Kocha ở Thảo Điền, TP.Thủ Đức, Ngọc An (27 tuổi) bất ngờ khi thanh toán. Thay vì chuyển tiền vào tài khoản của quán như thông thường, Ngọc An được nhân viên hướng dẫn quét mã QR số tài khoản ngân hàng Vietcombank của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
"Tôi rất ủng hộ hình thức đóng góp này của quán cho đồng bào miền Bắc. Họ không chỉ trích lợi nhuận mà đã dùng toàn bộ doanh thu cho hoạt động cứu trợ. Vì vậy, thay vì mua 1 cốc nước, tôi đã mua 4 cốc nước tặng bạn bè để có thể đóng góp nhiều hơn", Ngọc An chia sẻ.
Trao đổi trên Tạp chí Tri thức, Minh Thùy - nhà sáng lập Kocha cho biết, chương trình này sẽ kéo dài đến ngày 20/9. Cô cho rằng thay vì đứng ra quyên góp thì việc đổi mã QR thanh toán giúp khách hàng thoải mái, tin tưởng hơn.
Chia sẻ về việc một số thương hiệu gặp phản ứng trái chiều khi trích doanh thu để ủng hộ, Minh Thùy bày tỏ: "Tôi có đọc được thông tin về sự việc trên, tuy nhiên ở bất kì góc nhìn nào, dù 1.000 đồng, một phần hay toàn bộ doanh thu thì tấm lòng vẫn là tất cả. Có thể một vài câu chữ dễ gây hiểu lầm, nhưng lòng tốt và sự chủ động giúp đỡ người khác nên là thứ cần được quan tâm hơn".
Nhà sáng lập Kocha cho rằng hành động tốt nên được truyền cảm hứng và lan toả, thay vì dành thời gian xem giá trị hiện vật của nó là bao nhiêu.
Tương tự, tại Hà Nội, một số thương hiệu cà phê có tiếng cũng bắt đầu triển khai quét mã QR gửi tiền đến trực tiếp đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Chủ một quán cà phê ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên chia sẻ trên VTC News: "Tôi nghĩ hoạt động này lan toả tinh thần hướng về đồng bào vùng lũ đến nhiều người dân Việt Nam, có thể giúp mọi người tích cực hơn, không ngại góp phần ủng hộ dù là nhỏ nhất. Với tấm lòng chung tay góp sức, lan tỏa điều tốt đẹp, dù bao nhiêu cũng đáng quý".
Chủ một quán cà phê nhỏ ở phố Yên Lãng (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng vui mừng chia sẻ: “Ban đầu mình chỉ nghĩ đơn giản là làm cái gì đó ý nghĩa, nhưng khi thấy nhiều khách hàng hào hứng ủng hộ, mình mới thấy cách này thật sự đã tạo được sự khác biệt".
Việc đặt mã QR gửi thẳng tiền ủng hộ đến Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để giúp bà con bão lũ không chỉ giúp việc quyên góp trở nên minh bạch, nhanh chóng mà còn loại bỏ các rào cản đối với những người muốn giúp đỡ nhưng e ngại về thủ tục.