+Aa-
    Zalo

    Ứng viên làm từ thiện trước bầu cử, nên hay không?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dự án Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đã trở thành vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội.

    (ĐSPL) - Dự án Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đã trở thành vấn đề nóng trên diễn đàn Quốc hội.

    Không ít ý kiến khảng khái cho rằng, có hiện tượng ứng viên trước bầu cử dùng vật chất để vận động sự ủng hộ của cử tri. Chính vì vậy, không ít người khẳng định, phải có quy định “cấm tiệt” các ứng viên và người thân của họ làm từ thiện trong và trước giờ “G”.

    Tâm xuất hay tiền xuất?

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hội, Chánh tòa Hành chính TP.Hà Nội cho rằng, từ thiện là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tính nhân văn và tình người trong đời sống xã hội. Đặc biệt là truyền thống lá lành đùm lá rách của người Việt Nam.

    Làm từ thiện nên xuất phát từ trái tim (ảnh minh họa).

    Làm từ thiện là quyền của mỗi người, đặc biệt thông qua công việc này, người ta muốn xây dựng lên một hình ảnh đẹp cho bản thân. Vì ai làm việc gì cũng có mục đích của họ. Có người làm từ thiện để cho lòng thanh thản, có người vì muốn đánh bóng bản thân... Do đó, nếu cấm các ứng viên làm từ thiện thì phải tùy thuộc trong hoàn cảnh nào?

    “Tôi lấy ví dụ, nếu các ứng viên ở cấp phường, xã khi đang ứng cử mà họ đồng thời làm từ thiện thì việc làm đó cần phải khuyến khích, nhân rộng. Tuy nhiên, nếu ở cấp độ cao hơn là một người làm ở huyện, tỉnh hoặc vị đại biểu Quốc hội làm từ thiện với mục đích cá nhân, biến tấu như những gì mà một số đại biểu đã nêu thì việc làm từ thiện đó phải xem xét. Nếu Quốc hội đưa ra quy định cấm làm từ thiện trong khi vị đại biểu này đang ứng cử thì phải rất cụ thể, không thể chung chung được”, ông Hội nhấn mạnh.

    Theo ông Hội, để ngăn chặn tình trạng mua phiếu hoặc vận động hành lang (lobby) có nhiều cách làm. Khâu quan trọng là việc đề cử ứng viên. Người dân cần phải xem xét tới tư cách của các ứng viên trong quá trình công tác. Hãy xem vị đó có thật sự vì dân vì nước hay không? Trong công tác có vơ vét, lạm quyền hay tư lợi hay không... Vấn đề mấu chốt là cần phải xem xét tới tư cách đạo đức của đại biểu. “Tóm lại từ thiện là quyền của mỗi người và “cấm” chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh”, vị này khẳng định.

    Cùng quan điểm với Chánh tòa Hành chính Nguyễn Quốc Hội, luật sư Nguyễn Thu Oanh, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, cần tôn vinh những con người có tấm lòng tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Việc cấm làm từ thiện là điều vô lý. Tuy nhiên, nếu núp bóng dưới danh nghĩa làm từ thiện để mua phiếu hoặc dùng nguồn lợi công để làm từ thiện thì cần phải lên án. Và phải tìm ra mấu chốt vấn đề về cách “tìm mặt gửi vàng” của người dân. Tại sao họ có thể vì đồng tiền mà bầu cho người này, người khác được. Theo quan điểm cá nhân luật sư Oanh, làm từ thiện phải từ lương tâm chứ không phải vì “của người phúc ta”.

    Vị nữ luật sư này chia sẻ: “Trên thực tế, tôi chưa thấy một nguồn tin nào đưa về việc một vị cán bộ trích nửa năm tiền lương để làm từ thiện cho một cháu, người cụ thể đang có hoàn cảnh éo le, bi đát. Tôi cho rằng, cho dù món quà từ thiện đó có giá trị chỉ là ít ỏi, nhưng nó có ý nghĩa lớn, thay vì cứ hô hào rồi lấy của quỹ công, danh nghĩa... để gắn tên tuổi mình vào đó là việc làm đạo đức giả”.

    Phải cấm cả người thân của ứng viên đổ tiền “mua” phiếu

    ĐBQH – Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ĐBQH- Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) nhấn mạnh, Luật có quy định việc ĐB gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Đó là hai hình thức vận động bầu cử công khai hợp pháp, các hành vi còn lại đều bị cấm... Đây là quy định khá hợp lý nhưng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể.

    “Phiên thảo luận tại hội trường mới đây, nhiều ĐB cũng góp ý rằng, từ khi được công bố làm ứng cử viên bầu vào đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, các ứng cử viên không tham gia bất kỳ chương trình từ thiện nào. Ý kiến này theo tôi mặc dù sẽ đảm bảo được tính công bằng giữa các ĐB tuy nhiên nó tỏ ra hơi cứng nhắc”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.

    Theo ĐBQH – Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, thực tế cho thấy, không ít người trong quá trình công bố là ứng viên đi vận động bầu cử bằng cách hứa cho, tặng, ủng hộ tiền, lợi ích vật chất để lôi kéo cử tri bầu cho họ. Điều này dẫn đến sự bất công giữa các ĐB.

    Những người vận động bầu cử bằng tiền thường là những ĐB kém về chuyên môn, kiến thức nên phải dùng vật chất mua phiếu bầu. Thậm chí, không ít trường hợp cho người thân của mình đi biếu quà cử tri trước bầu cử, sau đó mình chỉ xuất hiện để chụp ảnh, chứng kiến, nói vài câu kiểu như để vận động bầu cử... Đây là điều rất đáng buồn, làm xấu đi hình ảnh của các đại biểu.

    “Tuy nhiên, có vấn đề mà tôi đã nói ở trên, nếu nghiêm cấm ứng viên trong quá trình ứng cử, bầu cử đi từ thiện là hơi cứng nhắc. Bởi, kế hoạch đi từ thiện vị ứng viên đó đã lên cả năm trước rồi. Với lại, họ không làm từ thiện ở địa phương mình mà đi trao quà cho người nghèo, người tàn tật ở địa phương, tỉnh khác, những người mà không thể bỏ phiếu ủng hộ họ được. Tôi cho rằng, cân nhắc việc ứng viên có thể đi từ thiện ngoài địa phương của mình chứ không nên cấm tuyệt đối”, ĐBQH Thích Bảo Nghiêm khẳng định.

    Cùng quan điểm, trao đổi với PV báo ĐS&PL bên lề Quốc hội, ĐBQH Vũ Xuân Trường (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho rằng: “Điều 68 dự thảo Luật quy định: “Các hành vi bị cấm khi thực hiện vận động bầu cử như không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử, không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.

    Không sử dụng hoặc hứa, tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo mua chuộc cử tri”. Tôi cho rằng, quy định này mặc dù có nhiều điểm hợp lý nhưng vẫn còn thiếu. Bởi không ít ứng viên họ không trực tiếp tham gia từ thiện mà cung cấp tiền, vật chất cho người thân của họ thực hiện công việc này”.

    Theo ĐB Trường, chính vì thế, quy định không sử dụng hoặc hứa, tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo mua chuộc cử tri chưa đầy đủ, cần phải quy định cụ thể hơn là trong thời gian vận động bầu cử, nghiêm cấm ứng cử viên, người thân là bố, mẹ, vợ, chồng, con cái của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân sử dụng tiền, tài sản, vật chất khác, tình cảm để vận động bầu cử dưới bất cứ hình thức nào. Nếu vi phạm thì phải có quy định chế tài xử lý. Đây là quy định bắt buộc để tránh mọi sơ hở, tiêu cực trong quá trình vận động bầu cử.

    “Tôi cũng kiến nghị rằng, những ứng viên, ĐB nào nhiệm kỳ trước hoạt động tốt, được cử tri đánh giá cao thì mới được tiếp tục ứng cử vào nhiệm kỳ sau. Tránh trường hợp ĐB kỳ trước không làm được việc gì cho dân, cho đất nước nhưng lại dùng vật chất để mua phiếu dẫn đến kỳ sau vẫn được ngồi vào “ghế nóng”. Đây là điều bất công bằng và ảnh hưởng đến chất lượng công việc chung của cả địa phương”.

    ĐBQH Vũ Xuân Trường (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định thẳng thắn)

    Không phải cứ bỏ tiền ra là “mua” được phiếu

    ĐBQH Thích Bảo Nghiêm chia sẻ, từ thiện là từ thiện, là xuất phát từ tâm, lòng thiện nguyện của mỗi người. Chính vì vậy, đừng bao giờ gộp từ thiện với mục đích cá nhân, hành vi vụ lợi ở trong đó. Như vậy vừa có tội với người khác vừa làm giảm đi cái ý nghĩa của hành động thiện nguyện của mình.

    Tôi cho rằng, những người lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi, để vận động bầu cử không nhiều. Họ chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ sớm bị loại bỏ. Bởi dân trí người Việt hiện nay đã khác trước, đã cao hơn rất nhiều. Không phải cứ bỏ tiền ra là mua được phiếu. Ai làm, ai không làm được việc cho dân, người dân biết hết. ĐB nào vì nước, vì dân chắc chắn sẽ được cử tri tín nhiệm, chẳng cần vận động cũng sẽ được dân yêu mến và bỏ phiếu bầu.

    V.CHƯƠNG - L.LIỄU

    Xem thêm video:

    [mecloud]cgHhc1FOvG[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ung-vien-lam-tu-thien-truoc-bau-cu-nen-hay-khong-a98260.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.