+Aa-
    Zalo

    Ukraine nhận tin không vui từ Mỹ giữa lúc chiến sự leo thang căng thẳng

    (ĐS&PL) - Kho vũ khí của Lầu Năm Góc đang dần cạn kiệt khiến Mỹ buộc phải giảm số lượng các gói viện trợ vũ khí tới Ukraine trong thời gian gần đây.

    Hãng tin CNN đưa tin, Mỹ vẫn còn gần 6 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine theo Quyền rút vốn của Tổng thống (PDA) nhưng lại không thể gửi thêm vũ khí cho đồng minh do chúng không có sẵn trong kho. Trong khi đó, PDA sẽ hết hạn vào ngày 30/9 trừ khi Quốc hội Mỹ đồng ý gia hạn thời gian để chi tiêu số tiền còn lại.

    Vào tháng 4, Lầu Năm Góc đã công bố gói hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD cho Ukraine nhưng kể từ đó không có gói nào vượt quá 400 triệu USD, thậm chí một số gói còn trong khoảng từ 125 đến 250 triệu USD. 

    Những thay đổi này được cho là diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ bị ảnh hưởng khi "các nhà sản xuất vũ khí trong nước phải chạy đua để đáp ứng nhu cầu khổng lồ do cuộc xung đột Nga - Ukraine tạo ra".

    Lầu Năm Góc hạn chế số vũ khí gửi tới Ukraine vì kho dự trữ cạn kiệt. Ảnh: Getty Images

    Lầu Năm Góc hạn chế số vũ khí gửi tới Ukraine vì kho dự trữ cạn kiệt. Ảnh: Getty Images

    "Vấn đề nằm ở lượng vũ khí dự trữ của chúng tôi, những gì Ukraine đang yêu cầu và liệu chúng tôi có thể đáp ứng những yêu cầu đó bằng những gì chúng tôi hiện có mà không ảnh hưởng đến sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ hay không", một trong những quan chức Mỹ cho hay.

    Ngoài ra, việc các gói viện trợ gửi đến Ukraine không đủ là do Mỹ không muốn gửi quá nhiều vũ khí đi cùng một lúc. Nước này dường như không có khả năng tiếp nhận thiết bị cũng phân phối một cách hiệu quả và nhanh chóng. 

    Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, quân đội Ukraine cần tăng số lượng vũ khí cơ giới, đặc biệt là xe bọc thép chở quân (APC), xe chiến đấu bộ binh Bradley và xe tăng, để nâng cao khả năng chiến đấu.

    Lực lượng Ukraine đã giải quyết một phần tình trạng thiếu đạn pháo, do sự chậm trễ trong viện trợ của phương Tây, bằng cách sử dụng máy bay không người lái FPV để chống lại các cuộc tấn công của bộ binh và xe bọc thép của Nga. Tuy nhiên, những máy bay không người lái này không có khả năng thay thế hoàn toàn nhu cầu chiến thuật của pháo binh dã chiến truyền thống.

    Ukraine cũng đã thực hiện các bước để tăng sản lượng đạn pháo 155mm trong nước, mặc dù ngành công nghiệp này phải xây dựng từ đầu trong thời chiến. Ngoài ra, Ukraine đã nỗ lực mở rộng sản xuất xe bọc thép kể từ năm 2022, bao gồm cả APC, nhưng vẫn chưa thể sản xuất được xe tăng hoàn chỉnh.

    "Mỹ và các đồng minh nước ngoài khác có thể tăng đáng kể hiệu quả của các nỗ lực xây dựng và tái thiết lực lượng của Ukraine bằng cách cung cấp cho họ nhiều thiết bị cơ giới hơn, chẳng hạn như xe bọc thép chở quân M113, xe chiến đấu bộ binh Bradley và xe tăng chiến đấu chủ lực. 

    Lữ đoàn bộ binh 155 của Ukraine gần đây đã được nâng cấp thành lữ đoàn bộ binh cơ giới sau khi được trang bị xe tăng Leopard. Việc tạo ra thêm lực lượng bộ binh Ukraine mà không tăng cường trang thiết bị cơ giới tương xứng sẽ không làm tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu hoặc tăng khả năng tác chiến của Ukraine", báo cáo của ISW nêu rõ.

    Theo Pravda và Ukrinform

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/ukraine-nhan-tin-khong-vui-tu-my-giua-luc-chien-su-leo-thang-cang-thang-a465845.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan