Thông tin từ năm 2017 TP. HCM sẽ áp dụng hình thức thi tuyển viên chức không cần hộ khẩu TP đang được dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến cho hay, đây là yếu tố tích cực giúp thành phố phát triển, bởi bấy lâu nay hộ khẩu TP đang ràng buộc con người nhiều thứ. Để có thông tin khách quan, đa chiều hơn về vấn đề này PV báo ĐS&PL đã có cuộc phóng vấn ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. HCM.
PV: Thưa ông, mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM có kết luận là sẽ bỏ “điều kiện hộ khẩu” trong tuyển dụng công chức, viên chức, kể cả cán bộ công chức khối Đảng, đoàn thể của TP.HCM. Ông đánh giá như thế nào khi có ý kiến cho rằng việc này góp phần thu hút nhân tài cho TP?
Ông Lê Hoài Trung: Theo tôi được biết, TP.HCM đã áp dụng bỏ “điều kiện hộ khẩu TP.HCM” trong tuyển dụng công chức, viên chức từ những năm trước đây, nhất là trong việc viên chức là giáo viên. Thế nhưng, thay vì không cần hộ khẩu, ứng viên phải đạt được những trình độ nhất định, chẳng hạn như ứng viên phải đạt được trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi… Tùy từng vị trí, chức danh nghề nghiệp mà có quy định cụ thể khác nhau.
Hộ khẩu chỉ là một trong hàng chục điều kiện để ứng viên đủ điều kiện dự tuyển. Và tôi được biết, trình độ dân trí tại TP.HCM rất cao. Cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức tại các phường đều đạt trình độ đại học trở lên. Nếu nói bỏ “điều kiện ” để thu hút nhân tài là chưa khách quan, chưa đúng. Vì thu hút nhân tài đã thực hiện nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới thực hiện. TP đã thu hút người tài bằng những tiêu chí khác như trình độ, kỹ năng… chứ không phải là điều kiện hộ khẩu.
Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc sở Nội vụ TP.HCM (Ảnh: Tuổi trẻ). |
PV: Vì sao ông có thể khẳng định, trình độ viên chức, công chức tại TP.HCM cao hơn so với các địa phương khác?
Ông Lê Hoài Trung: Thực tế, trình độ cán bộ công chức, viên chức tại TP.HCM không thể yếu kém hơn so với các tỉnh. Việc thi tuyển công chức, viên chức tại TP từ trước đến nay đều thực hiện công khai, minh bạch và rõ ràng.
Những ứng viên có trình độ, kỹ năng, đáp ứng được nhu cầu công việc sẽ nộp hồ sơ ứng tuyển, thi tuyển vào vị trí mình chọn. Sau đó, trải qua quá trình thi tuyển nghiêm ngặt, quá trình thi tuyển bao gồm 3 môn: Tiếng Anh, Tin học và môn chuyên ngành, sẽ thực hiện trên máy tính.
Ngoài ra, môn phỏng vấn cũng có hội đồng chấm thi. Ứng viên trúng tuyển sẽ là người đạt điểm cao nhất và việc chấm điểm này rất khách quan, công bằng. Việc áp dụng thi tuyển công chức, viên chức, chấm điểm trực tiếp trên máy tính được TP áp dụng từ 5 năm trở lại đây. TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước áp dụng hình thức thi tuyển mới.
Nếu là ứng viên tham gia thi tuyển môn viết, sẽ có các ban cụ thể như ban rọc phách, ban chấm thi, ban ra đề, ban giám thị, hội đồng chấm thi… được làm rất chỉn chu, nghiêm ngặt. Và quá trình chấm thi như vậy, không ai biết được thí sinh là hộ khẩu ở đâu nữa, nên rất công bằng. Do đó, bỏ điều kiện hộ khẩu TP.HCM chỉ tạo điền kiện cho người dân các tỉnh tham gia thi tuyển, nhằm tăng tính cạnh tranh, ai cao điểm nhất người đó sẽ trúng tuyển.
PV: Vậy năm 2017, TP.HCM đã có kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức chưa thưa ông?
Ông Lê Hoài Trung: Hiện, quy định bỏ “điều kiện hộ khẩu TP.HCM” trong tuyển dụng viên chức, công chức vẫn chưa có văn bản ban hành chính thức, áp dụng đại trà tại các địa phương trên toàn TP. Thế nhưng, chủ trương của TP đã cho phép một số đơn vị tuyển dụng viên chức không cần hộ khẩu TP từ năm nay.
Năm 2017, TP chưa có chỉ tiêu tuyển dụng cụ thể, vấn đề này phải căn cứ theo nhu cầu các quận, huyện báo cáo về. Sau khi có số liệu chính thức, TP mới tổ chức kỳ thi tuyển công chức, viên chức toàn địa bàn.
Theo tính toán ban đầu, có thể năm nay sẽ tuyển 500 công chức, viên chức tại TP.HCM. Mặc dù không quy định có hộ khẩu, nhưng người ứng tuyển phải có địa chỉ cụ thể, phải có sổ hộ khẩu, lý lịch rõ ràng để sau này nếu ứng viên trúng tuyển sẽ thuận lợi trong việc đăng ký quản lý con người.
PV: Theo ông, quy trình tuyển dụng công chức, viên chức tại nếu bỏ điều kiện hộ khẩu TP thì sẽ gặp những khó khăn trở ngại nào?
Ông Lê Hoài Trung: Theo quy định của luật Viên chức hiện nay, người có hai quốc tịch trở lên vẫn được đăng ký dự thi. Như vậy giả sử, nếu một người có quốc tịch Việt Nam và Mỹ chẳng hạn, họ tham gia thi tuyển viên chức và trúng tuyển. Nhưng sau đó, họ không làm việc vì cảm thấy mức lương quá thấp, không đáp ứng được điều kiện sinh sống. Nếu có 10.000 người ứng tuyển và đều ra đi như thế thì rất tốn kém cho quá trình tuyển dụng. Lúc này, đơn vị tuyển dụng phải tốn chi phí, công sức, thời gian để tuyển dụng nhưng lại không hiệu quả, như thế dẫn tới lãng phí.
Do đó, tôi cho rằng, để đối phó với những vấn đề phức tạp phát sinh, phải hết sức cân nhắc trong mọi quy trình thực hiện tuyển dụng. Ngoài ra, một số lĩnh vực đặc thù như sở Nội vụ, sở Tài chính, Đảng, Đoàn thể phải tuyển dụng người có lý lịch rõ ràng. TP cũng có chủ trương sẽ bổ sung thêm điều kiện trúng tuyển, như ngoài đạt về kiến thức chung, chuyên ngành thì phải trải qua vòng phỏng vấn của cơ quan tuyển dụng.
Lành Nguyễn
Bài đăng lại báo giấy Đời sống & Pháp luật số 77