Một chuyên gia quốc phòng Pháp cho rằng các quốc gia trong khu vực cần phải buộc Trung Quốc từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của nước này.
Đây là những tuyên bố đáng chú ý của Tướng Daniel Schaeffer, Chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp chuyên nghiên cứu về Biển Đông, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV bên lề Hội thảo Quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” tổ chức trong 2 ngày 20-21/6.
|
Tướng Pháp Daniel Schaeffer: Phải tập trung đánh đổ “yêu sách đường 9 đoạn” |
PV:Như ông đã biết, Trung Quốc đã tiến hành hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Liệu Việt Nam có nên kiện Trung Quốc vì việc này?
Tướng Daniel Schaeffer: Theo tôi thì Việt Nam nên khởi kiện như Philippines đã làm.
PV:Tại sao ông cho rằng Việt Nam nên làm như vậy?
Tướng Daniel Schaeffer: Tôi nghĩ rằng Việt Nam có thể làm một số việc như sau:
Đầu tiên, Việt Nam cần tiếp tục đối thoại với Trung Quốc. Sau đó, Việt Nam sẽ yêu cầu một phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật biển và cần phải có một chiến lược rõ ràng để bảo vệ quan điểm của mình cũng như giành được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế về việc Luật biển cần phải được tôn trọng như thế nào.
PV:Ông cũng biết rằng Quần đảo Hoàng Sa chỉ là nhiều đảo đá, tuy nhiên Trung Quốc lại căn cứ vào đó để vạch đường cơ sở của mình để có lãnh hải và các vùng liên quan như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Điều này là trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển. Vậy, Việt Nam có nên kiện Trung Quốc vì cố tình diễn giải sai Công ước này hay không?
Tướng Daniel Schaeffer: Chúng ta cần tách bạch rõ ràng vấn đề này. Đầu tiên, chúng ta thử giả định rằng quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc. Chỉ là giả định thôi nhé. Trong trường hợp Trung Quốc muốn vạch đường cơ sở thẳng thông qua quần đảo Hoàng Sa thì điều này là hoàn toàn sai trái.
Lý do là, đây chỉ là một quần đảo và nếu Trung Quốc là chủ thực sự của Hoàng Sa (thực tế, Việt Nam mới có chủ quyền tại đây) thì việc vạch đường cơ sở để xác định vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế theo luật pháp phải là từ hiện trạng của một hòn đảo chứ không phải là cả một quần đảo.
Ngoài ra, việc vạch định đường cơ sở rồi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thông qua quần đảo Hoàng Sa cũng như việc Trung Quốc cố tình chiếm toàn bộ bãi cạn Scraborough và bãi Macclesfield cho thấy đường 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập trên Biển Đông là hành vi xâm phạm lãnh thổ của các quốc gia khác.
Chính vì thế, các nước trong khu vực đừng nên quá tập trung vào việc tranh luận về chủ quyền của các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà trước hết hãy hướng sự chú ý đến yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Chỉ khi đường 9 đoạn này không tồn tại thì mới có thể bàn đến vấn đề chủ quyền các hòn đảo.
PV:Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa, vậy Việt Nam có nên khởi kiện Trung Quốc hay không?
Tướng Daniel Schaeffer: Tôi muốn nhắc lại rằng Trung Quốc đã tiến hành đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1947 khi Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp và hoàn tất việc này vào năm 1974.
Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng những bằng chứng lịch sử của mình để khẳng định chủ quyền thực sự của mình. Tôi cho rằng cách tốt nhất mà Việt Nam có thể làm là khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật biển như Philippines đã làm. Chỉ có Tòa án Quốc tế về Luật biển mới có thể đưa ra phán quyết rõ ràng về vấn đề này.
Hơn thế nữa, dù Trung Quốc không muốn đưa vấn đề này ra quốc tế thì đây cũng đã là một vấn đề quốc tế rồi vì Biển Đông cũng là vùng biển quốc tế chứ không phải là của riêng Trung Quốc. Có thể Trung Quốc muốn có vùng biển này để tăng cường phòng thủ với Mỹ, quốc gia mà Trung Quốc rất e dè nhưng không có lý gì Trung Quốc lại có thể chiếm toàn bộ Biển Đông chỉ để phục vụ cho lợi ích của mình.
PV:Nếu Việt Nam muốn khởi kiện Trung Quốc, Việt Nam cần làm gì?
Tướng Daniel Schaeffer: Việt Nam cần phải học hỏi kinh nghiệm từ Philippines và tôi tin rằng nếu Việt Nam bàn thảo với Philippines thì nước này sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình với Việt Nam.
Nhiều người sợ rằng việc này sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam đang tuân thủ đúng luật pháp quốc tế nên không có gì phải lo sợ cả.
PV:Trung Quốc đã đưa thêm một giàn khoan khác tới Biển Đông, theo ông động thái này của Trung Quốc là để làm gì?
Tướng Daniel Schaeffer: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan chỉ là một vụ việc tạm thời trong dã tâm lâu dài của Trung Quốc nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền dựa trên yêu sách đường 9 đoạn của nước này.
Ngoài yêu sách đường 9 đoạn mà Trung Quốc ngang nhiên đưa ra trên Biển Đông, nước này còn cố tình thay đổi hiện trạng của bãi đá Gạc Ma nhằm tăng cường sự hiện diện thường xuyên của Trung Quốc trên Biển Đông.
PV:Xin cảm ơn ông!
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuong-phap-phai-tap-trung-danh-do-yeu-sach-duong-9-doan-a37756.html