Không nhãn mác, không hạn sử dụng
Giá thành hợp lý, dễ dàng tìm mua, lại có hương vị thơm ngon nên bánh su kem được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Báo Dân trí dẫn lời chị Hải Anh - người thường xuyên mua bánh su kem cho gia đình cho biết, su kem là loại bánh dễ ăn, giá thành hợp lý, dao động khoảng 60.000 - 80.000 đồng/hộp 10 chiếc.
Ngày trước, khi loại bánh này chưa thực sự phổ biến, chị chỉ có thể tìm mua ở các tiệm bánh lớn hoặc các siêu thị. Bánh được bày trong tủ kính với nhiệt độ lạnh, có kèm nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng rõ ràng.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, bánh su kem được bày bán tràn lan. Trong một vài trường hợp, bánh chỉ được đóng trong chiếc hộp nhựa khá sơ sài với những chiếc tem, mác tự in. Có một vài điểm bán, bánh được ghi kèm hạn sử dụng nhưng không có ngày sản xuất. Thậm chí, một vài nơi bán còn không ghi cả ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Thông thường, nếu được bảo quản trong nhiệt độ lạnh, bánh su kem để được tối đa 4 ngày. Tuy nhiên, khảo sát ngày 5/10, có tiệm bán bánh su kem ghi hạn sử dụng tới ngày 16/10.
Ở những điểm bán nhỏ lẻ, bánh su kem thường được đựng trong hộp nhựa, hộp giấy. Một vài hàng tạp hóa nhỏ bày bán su kem trên những chiếc bàn để ngoài chỗ nắng, không có mái che. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng bánh, bởi su kem vốn cần bảo quản trong nhiệt độ lạnh.
Su kem được mua từ những điểm bán nhỏ lẻ có giá rẻ hơn những tiệm bánh lớn, khoảng 30.000 - 50.000 đồng/hộp 10 chiếc.
Trên hội nhóm của các khu chung cư, su kem được rao bán tràn lan với mức giá tương đối rẻ, khoảng 40.000 đồng/hộp 12 chiếc.
Theo chị Thanh Nga, chủ một cửa hàng bánh ngọt ở Vĩnh Phúc,bánh su kem có hạn sử dụng khoảng 1-2 ngày sau khi bánh ra lò. Bánh đạt độ ngon nhất là ăn vào khoảng 12 tiếng sau khi làm bánh xong. Để lâu hơn, bánh bị cứng, giảm độ dẻo và không thơm như ban đầu.
Vì thời gian bảo quản tương đối ngắn nên người bán cần tính toán số lượng hợp lý để không có bánh tồn, bánh để qua ngày. Việc bảo quản bánh là đặc biệt quan trọng. Bánh su kem cần bảo quản trong nhiệt độ lạnh để nhân bánh không bị chua, nhiễm khuẩn, gây ảnh hưởng đến người sử dụng.
Bảo quản sai cách gây nguy hiểm cho sức khỏe
Vụ việc cháu bé ở TP.HCM bị tử vong và hàng chục người bị ngộ độc sau khi ăn bánh su kem hiệu Givral liên hoan Trung thu làm dấy lên lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm trong những chiếc bánh su kem giá rẻ, không nhãn mác được bày bán tràn lan.
Các chuyên gia nhận định có thể bánh su kem bị nhiễm khuẩn là nguyên nhân khiến khoảng 50 người ngộ độc thực phẩm.Nhiều khả năng bánh su kem đã nhiễm khuẩn trước đó, loại trừ khả năng bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc Trung thu.
Báo Vietnamnet dẫn lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 4/10 cho hay, bánh su kem được nhiều người mua để sử dụng trong các buổi tiệc hoặc dùng hằng ngày.
Nguyên liệu làm bánh su kem rất thông dụng, như bột mỳ, bột bắp, bơ, trứng gà, sữa, đường, muối, nước, whipping cream… Vỏ bánh mỏng, sau khi được chế biến, nướng lên sẽ được khoét/rạch lỗ nhỏ để bơm kem vào trong và đem bảo quản.
“Quá trình bánh tới người tiêu dùng gồm: Chế biến, bảo quản tại cửa hàng, vận chuyển, cất trữ khi mua về rồi ăn. Bất kỳ khâu nào cũng có khả năng khiến vi sinh vật hay độc tố xâm nhập, phát triển, ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng”, TS Thịnh cho biết. Trong đó, bảo quản sản phẩm với số lượng lớn, thời gian lâu là khâu dễ khiến bánh nhiễm khuẩn nhất.
Theo vị chuyên gia, vi sinh vật có thể xâm nhập vào bánh bằng nhiều con đường khác nhau như vệ sinh môi trường, con người, hoặc do chất liệu, nguyên liệu khi sản xuất chế biến. Ban đầu vi sinh vật nhiễm vào với mức độ, số lượng ít rồi phát triển dần lên.
“Vi sinh vật dễ nhiễm nhất là khuẩn E.Coli, Coliform và C. botulinum. Trong đó độc tố C. botulium nguy hiểm nhất, gây ngộ độc ngay, chỉ một lượng nhỏ có thể dẫn tới tử vong nhanh, trong khi 2 khuẩn trước thường gây tiêu chảy”, TS Thịnh cho hay.
Theo TS Thịnh, với bánh su kem, sau khi bơm đẩy kem vào trong vỏ, bánh sẽ được xếp vào khay/hộp hở để bảo quản chờ bán mà không cần nướng hay thanh trùng lại.
“Điều này đồng nghĩa nguy cơ vi sinh vật xâm nhập vẫn còn, có thể phát triển và sinh ra độc tố trong bánh. Người dùng có thể nhiễm cả độc tố và vi sinh vật. Thông thường nếu nhiễm khuẩn nặng, chủ yếu do độc tố”, Tiến sĩ Thịnh phân tích.
Vân Anh (T/h)