(ĐSPL) - Câu chuyện nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền phải trả lại nhà, đất sai phạm cho thấy Nhà nước đang có những động thái quyết liệt nhằm xử lý vi phạm của cán bộ, dù người đó là ai và ở cương vị nào, dù đương chức hay đã nghỉ hưu.
Vụ việc cũng một lần nữa nhắc nhở chúng ta về quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ vốn rất dài, nhiều thủ tục, tưởng rất chặt chẽ nhưng lại có những "lỗ hổng chết người". Nó cũng cho thấy, môi trường công tác dường như đang ảnh hưởng đến sự tha hóa của một bộ phận cán bộ vốn một thời mệnh danh là thanh liêm chính trực.
Ngẫm lại những điều ông Truyền phát biểu với báo chí trước đây, dư luận giật mình bởi khoảng cách quá xa giữa lời nói và việc làm của một người từng được Đảng, Nhà nước giao phó trọng trách trong lĩnh vực phát hiện và phòng chống tham nhũng. PV báo Đời sống và Pháp luật điểm lại những chặng đường từ giai đoạn được đánh giá là thanh liêm đến khi bị cho là biến chất của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.
Ông Trần Văn Truyền và khối tài sản nhà, đất (ảnh Internet). |
Cũng trong những năm đầu giữ vị trí “tư lệnh” ngành thanh tra, ông Trần Văn Truyền tỏ ra cứng rắn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Ông đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về chống tham nhũng, trong đó thẳng thắn đề cập đến những vấn đề như xử lý thu hồi tài sản của người nghỉ hưu, nếu có dấu hiệu tham nhũng; không có vùng cấm cho chống tham nhũng; báo chí có thể "chùng" chứ cơ quan chống tham nhũng không "chùng", đấu tranh chống tham nhũng phải có bản lĩnh... (?!).
Liên quan đến vấn đề quản lý, cơ cấu giám sát cán bộ và những sai phạm phát sinh trong quá trình công tác gây bất bình trong dư luận, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi bàn tròn để phân tích vấn đề này với nhiều cán bộ cao cấp của Nhà nước.
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Để đến khi cán bộ về hưu mới phát hiện thì đã muộn
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. |
Theo quan điểm của cá nhân tôi, kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) về khối tài sản nhà, đất của ông Trần Văn Truyền là đáng khích lệ. Chúng ta biết rằng, liên quan đến những cán bộ cao cấp, người dân vẫn có sự e ngại về một giới hạn nào đó nhưng bây giờ giới hạn đó đã không còn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao không phát hiện được sớm? Và ai là người phát hiện và dám nói ra? Bởi lâu nay, chúng ta vẫn còn tình trạng nể nang, bao che. Từ trường hợp của ông Trần Văn Truyền, nhiều người đặt câu hỏi còn bao nhiêu người chưa bị lộ?
Cái gốc ở đây chính là khâu quản lý, giám sát cán bộ cao cấp còn nhiều lỗ hổng. Theo tôi, phải chỉ rõ được đâu là khuyết điểm, đâu là vi phạm. Nếu là khuyết điểm, có thể góp ý để cá nhân đó tích cực sửa chữa, nhưng nếu là vi phạm thì phải xử lý. Tùy theo mức độ vi phạm, lớn hay nhỏ, nghiêm trọng hay không nghiêm trọng mà có hình thức xử lý tương xứng. Việc vi phạm đó không chỉ là vi phạm về chính sách nhà đất mà vi phạm về phẩm chất, đạo đức, tư chất người Đảng viên, đặc biệt là cán bộ cao cấp thì càng không được phép như vậy. Vấn đề tham nhũng hay không, cần phải nghiên cứu thêm nhưng rõ ràng đấy là vi phạm nghiêm trọng nhất, những điều Đảng viên không được vi phạm.
Video tham khảo:
Ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu 3 năm mới trả nhà công vụ
Từ sai phạm của ông Truyền cho thấy, vấn đề kê khai tài sản có trung thực hay không? Việc vi phạm liên quan đến 6 ngôi nhà, rõ ràng là không trung thực, vi phạm tư cách người Đảng viên. Theo tôi, bài học rút ra ở đây là công tác quản lý cán bộ. Nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến việc không quản lý được chất lượng của cán bộ. Việc phát hiện ra sớm những tiêu cực sẽ có lợi cho cán bộ. Để đến khi cán bộ về hưu mới phát hiện thì đã muộn.
Trước đây, ông Trần Văn Truyền từng công tác tại UBKTTƯ, sau đó chuyển sang thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng, chính môi trường đầy cám dỗ đã đẩy ông ấy đến tha hóa, biến chất. Theo tôi, đây cũng là một hiện tượng nhưng đó chỉ là một yếu tố mà cái gốc vẫn là phẩm chất, tư cách và rèn luyện của người cán bộ. Đây là vụ việc cụ thể, điển hình và là bài học sâu sắc, bởi nó liên quan đến một người từng đứng đầu ngành thanh tra có nhiệm vụ chính trong công tác phòng chống tham nhũng, kiểm soát tài sản thu nhập cán bộ...
Tôi xin nhấn mạnh, đây là vụ việc cụ thể chứ thực tế không phải thiếu những vụ việc tương tự như thế. Sự việc của ông Truyền càng hối thúc chúng ta nhìn lại toàn bộ nền công chức, công vụ, từ việc đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, kiểm soát quyền lực... Khi đã phát hiện ra sai phạm phải xử lý nghiêm minh. Bản thân ông Truyền không chỉ sai phạm về đất đai mà ngay ở "phút 89", trước khi về hưu, ông Truyền cũng đã bổ nhiệm cho hàng loạt cán bộ. Ở đây có chuyện "mua chức, mua quyền" không? Tất cả những nội dung này không thể xử lý qua loa.
Qua vụ việc của ông Trần Văn Truyền, thiết nghĩ, các cơ quan có trách nhiệm chắc chắn phải có đánh giá lại các quy định và việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đặc biệt là đối với cán bộ cấp cao. Một vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm là làm thế nào để giám sát các cán bộ cấp cao. Theo tôi, cần có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý Nhà nước, hệ thống Đảng...
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4: Trong một môi trường "đầy quyền lực" dễ dẫn đến bị cám dỗ, tha hóa
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. |
Cách đây mấy tháng, khi báo chí phỏng vấn, tôi nói rằng, vì vụ việc chưa được kết luận chính thức nên chưa có ý kiến. Nhưng về nguyên tắc, nếu xảy ra hiện tượng như báo chí phản ánh thì sự việc này nghiêm trọng. Cho đến thời điểm này, tôi bảo lưu ý kiến như cách đây mấy tháng. Đó là vẫn cần dư luận làm rõ vấn đề tiền bạc để xây nhà cửa...
Từ vụ việc ông Truyền cũng nảy sinh vấn đề giám sát cán bộ cao cấp có quyền lực chưa hiệu quả. Cá nhân ông Truyền có rất nhiều cơ quan giám sát, cụ thể gồm: UBKTTƯ; Ban Tổ chức Trung ương; Quốc hội; Chính phủ; chi bộ - đảng ủy của Thanh tra Chính phủ; Ban cán sự Đảng của Thanh tra Chính phủ. Mặc dù, 6 cơ quan giám sát nhưng vẫn không phát hiện ra sai phạm của ông Truyền, vụ việc bị phanh phui là do báo chí và người dân. Đây là lỗ hổng lớn trong vấn đề giám sát cán bộ cao cấp. Bên cạnh đó, vấn đề ở đây là vai trò của chi bộ đảng trong việc giám sát đảng viên còn quá mờ nhạt.
Câu hỏi đặt ra tại sao những vi phạm đó không được phát hiện trong quá trình làm công tác cán bộ? Đây là câu hỏi cũng cần giải đáp thỏa đáng. Tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng trăn trở: "Đọc báo cáo thấy nhiều tiến bộ, nhưng nghe thông tin bên ngoài thì buồn lắm. Các đồng chí phải đánh giá được những gì dư luận nói. Không tham nhũng thì lấy tiền đâu nhậu này nhậu kia, đi chơi này đi chơi kia, chức vụ này chức vụ kia". Đánh giá được những gì dư luận nói là việc rất quan trọng để ngăn ngừa những vi phạm, sự tha hóa của cán bộ.
Qua sự việc này, tôi đặc biệt nhấn mạnh đến khâu quyết định nhất, đó là tổ chức chọn cán bộ. Việc lựa chọn, bổ nhiệm có đúng người? Muốn khắc phục được những vấn đề tiêu cực trong bộ máy công quyền, khâu công tác tổ chức cán bộ là cốt lõi. Khi đã chọn được người cán bộ thì khâu giám sát, quản lý cũng vô cùng quan trọng. Nếu chọn được người cán bộ tốt mà buông lỏng quản lý, không giám sát sẽ dẫn đến việc xuất phát từ tư tưởng cá nhân, lợi ích cá nhân thì từ người tốt cũng có thể tha hóa, biến chất.
Từ thực tế đó, tôi cho rằng công tác giám sát, theo dõi, điều tra, giáo dục, định hướng phải được làm thường xuyên. Đặc biệt, với những cán bộ giữ cương vị trọng yếu như ông Trần Văn Truyền càng phải giám sát chặt chẽ. Một cá nhân trong một tổ chức vi phạm, cơ quan quản lý cấp trên về Đảng, chính quyền cần có sự kiểm điểm nghiêm túc. Trong thời buổi cơ chế thị trường, có quyền lực trong tay rất dễ dẫn đến nảy sinh tư tưởng cá nhân, vụ lợi. Và trong một môi trường "đầy quyền lực" cũng dễ dẫn đến bị cám dỗ, tha hóa, biến chất.
Theo tôi, xử lý như thế nào thì theo trình tự. Việc xử lý cần đảm bảo nghiêm khắc, đúng người, đúng sai phạm và phải làm đến cùng để tạo niềm tin cho nhân dân, qua đó cũng nhắc nhở nếu ai có sai phạm thì sớm có điều chỉnh sửa chữa.
Không trị tận gốc, chặt "nhánh" này sẽ mọc "nhánh" khác Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) đánh giá, sự việc của ông Trần Văn Truyền là vô cùng hệ trọng. Theo Tướng Cương, vấn đề đặt ra là hệ thống giám sát quyền lực đến đâu và cải tổ bắt đầu từ đâu? "Quan điểm của tôi là bắt đầu từ việc sửa điều lệ Đảng. Bởi đây là lỗ hổng trong công tác quản lý, giám sát cán bộ. ông Truyền chỉ là "nhánh" trong một cái cây. Nếu không trị tận gốc, cắt "nhánh" này sẽ mọc "nhánh" khác. Phải đẩy mạnh giám sát quyền lực. Một cơ quan, một tổ chức chỉ một người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Làm không được thì từ chức, giống như Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản mới nhận chức được 10 ngày, khi xuống địa phương phát biểu "hớ", ngay sau đó xin nghỉ ngay tức khắc", Tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh. Xóa bỏ quan niệm "hạ cánh an toàn" Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho biết, luật pháp hiện hành đã quy định khá đầy đủ, không đưa ra một "tấm lá chắn" nào cho những cán bộ sai phạm về hưu có thể "hạ cánh an toàn". Theo Đại biểu Nghĩa, qua sự việc của ông Truyền cho thấy, khi còn đương chức, anh có thể ém các tài sản, vi phạm nhưng khi về hưu nếu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì vẫn bị xử lý. Từ những sai phạm để có được tài sản không hợp pháp là phải thu hồi. Đây cũng là một trong những yêu cầu của cuộc chiến chống tham nhũng. Sự việc của ông Truyền còn cho thấy, những vấn đề liên quan đến kê khai tài sản. Nếu cán bộ không kê khai tài sản đầy đủ thì đây là khuyết điểm. Còn không kê khai trung thực, tài sản bất hợp pháp, rõ ràng đây là vi phạm nặng. |