+Aa-
    Zalo

    Từ vụ ca sĩ Châu Việt Cường: Những nhầm lẫn chết người của giới trẻ về ma túy "không gây nghiện"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một bộ phận giới trẻ cho rằng, đá, ke, kẹo, cỏ… không gây nghiện, mức độ lệ thuộc không cao như ma túy truyền thống (heroin, thuốc phiện).

    Một bộ phận giới trẻ cho rằng, đá, ke, kẹo, cỏ… không gây nghiện, mức độ lệ thuộc không cao như ma túy truyền thống (heroin, thuốc phiện). Sự chủ quan này dẫn đến những rủi ro cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể mất mạng.

    Dễ bị lôi kéo và gây nghiện

    Thông tin về vụ việc Nguyễn Việt Cường (ca sĩ Châu Việt Cường) sử dụng ketamine (ma túy tổng hợp) bị “ngáo” gây ra cái chết của cô gái 9X đi cùng đang xôn xao dư luận.

    Theo thông tin tưc cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình (Hà Nội), Châu Việt Cường đang bị điều tra về hành vi vô ý làm chết người. Theo lời khai ban đầu, Cường  cho biết do tưởng bạn cùng chơi bị ma nhập nên đã nhét tỏi vào miệng dẫn đến ngạt thở và tử vong.

    Trước vụ việc trên, rất nhiều người dân tỏ ra băn khoăn về tình trạng giới nghệ sĩ nói riêng và giới trẻ nói chung sử dụng ma túy, nhất là dạng ma túy tổng hợp. Dường như  nhiều bạn trẻ cho rằng đá, ke, kẹo, cỏ… không gây nghiện, mức độ lệ thuộc không cao như ma túy truyền thống (heroin, thuốc phiện), nên dẫn đến việc mất cảnh giác, dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ và tái sử dụng nhiều lần dẫn đến nghiện. Đó là chưa kể đến việc xảy ra rủi ro, thậm chí mất mạng như trong vụ việc trên.

    Đối tượng Châu Việt Cường thừa nhận sử dụng ma túy tổng hợp và vô tình làm nạn nhân tử vong

    Trước đó, trong một buổi trao đổi với báo chí hồi năm 2017, đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Hà Nội cho biết, tình hình tội phạm về ma túy ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi. Trong xu thế công nghệ, kinh tế và mạng xã hội phát triển hiện nay thì tội phạm sản xuất, buôn bán và tổ chức sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, trong đó không ít đối tượng là học sinh, sinh viên...

    Những năm trước, người nghiện thường sử dụng ma túy truyền thống là heroin, thuốc phiện được vận chuyển và cung cấp từ vùng “tam giác vàng” qua đường biên giới thuộc tỉnh Điện Biên, Sơn La. Người sử dụng ma túy truyền thống có biểu hiện nghiện rõ ràng như mệt mỏi, bệ rạc, suy giảm về thể trạng, trí óc. Vì những dấu hiệu nghiện dễ nhận thấy của ma túy truyền thống, vài năm trở lại đây, người sử dụng nhất là giới trẻ có xu hướng chuyển sang dùng ma túy tổng hợp, phổ thông nhất là ma túy đá (methamphetamine), thuốc lắc (MDMA), ketamine, cỏ Mỹ...

    Số ma túy ketamine từng bị lực lượng chức năng thu giữ (Ảnh: ANTĐ)

    Trong khi sử dụng heroin, con nghiện rơi vào trạng thái “phê” và thường tìm nơi yên tĩnh để hưởng thụ, cảm nhận thì người sử dụng ma túy tổng hợp rơi vào trạng thái “bay”. Người sử dụng ma túy tổng hợp bị kích thích mạnh và tìm nơi náo nhiệt, vui nhộn. Ảo giác mạnh đánh lừa bản thân khiến người chơi không cảm nhận chính xác về không gian, thời gian, khoảng cách dẫn tới việc cơ thể vượt qua giới hạn bản thân, thực hiện những hành động nguy hiểm mà không biết sợ hãi, mệt mỏi.

    “Ma túy tổng hợp có sức hút đặc biệt, không gây mức độ lệ thuộc mạnh từng giờ, từng phút mà có thể kéo dài khoảng cách giữa các lần sử dụng hàng tuần, hàng tháng mà không lên cơn nghiện, vật thuốc như các loại ma túy truyền thống. Đa số giới trẻ lầm tưởng cỏ Mỹ, thuốc lắc, đá… không phải là ma túy, không gây nghiện nên mất cảnh và dễ dàng bị dụ dỗ, lôi kéo và tái sử dụng nhiều lần”, vị cán bộ cảnh sát cho biết.

    Tác hại khôn lường

    Trao đổi với GS.TS bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) cảnh báo, ma túy tổng hợp (ATS) là những chất ma túy nguy hiểm nhất hiện nay.

    Theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2012, trong số 200 triệu người sử dụng ma túy trên toàn thế giới, có 35 triệu người sử dụng ATS, nhiều hơn so với những người sử dụng cocaine và thuốc phiện cộng lại. Tại Việt Nam, từ năm 2010, ATS đã trở thành loại ma túy sử dụng phổ biến thứ hai sau heroin.

    Theo GS Đức, khi sử dụng ma túy tổng hợp, người dùng sẽ gặp các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, kích động, suy giảm nhận thức, đặc biệt là các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác) gây nên tâm trạng hoảng loạn, sợ bị hại, bị giết, rất dễ dẫn đến hành vi bạo lực. Đó chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng trong thời gian gần đây.

    Thậm chí, nhiều trường hợp nghiện nặng còn dẫn đến tâm thần phân liệt, 1/3 số người lệ thuộc ma túy tổng hợp có triệu chứng loạn thần.

    Một bộ phận giới trẻ vẫn chưa hiểu hết tác hại khôn lường của ma túy tổng hợp

    Ví dụ như vụ việc xảy ra hồi tháng 5/2017 ở Hưng Yên, đối tượng Phan Văn Tuấn (SN 1984, trú tại xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ) bị cơ quan Công an bắt giữ về hành vi giết người, điều đáng nói là đối tượng giết người trong trạng thái “ngáo” do sử dụng ma túy đá.

    Nạn nhân là Nguyễn Văn Thao được tìm thấy trong tình trạng bị thương nhiều vết trên cơ thể, bị rạch một vết sâu ở cổ, bị mổ bụng và cắt bỏ bộ phận sinh dục. Theo lời khai của đối tượng Tuấn, sau khi cùng nhau sử dụng ma túy đá, đối tượng không làm chủ được hành động nên đã giết người.

    Có thể thấy, ma túy tổng hợp, đặc biệt ma túy đá biến đổi rất nhanh, khiến bản thân người nghiện không làm chủ được chính mình. Vì vậy, các chuyên gia về tâm thần học khuyến cáo người sử dụng có thể bị loạn thần ngay lần đầu chứ không nhất thiết phải dùng nhiều. Nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài, các triệu chứng về loạn thần sẽ trở thành mãn tính.

    Hoàng Giang(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-ca-si-chau-viet-cuong-nhung-nham-lan-chet-nguoi-cua-gioi-tre-ve-ma-tuy-khong-gay-nghien-a221621.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan