+Aa-
    Zalo

    Từ vụ 8 học sinh chết đuối trên sông Đà: Làm gì để tránh những bi kịch đau lòng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Năm nào mùa hè đến, hiện tượng đuối nước cũng luôn rình rập lứa tuổi học trò. Vậy làm thế nào để không còn những vụ trẻ em đuối nước thương tâm?

    Năm nào mùa hè đến, hiện tượng đuối nước cũng luôn rình rập lứa tuổi học trò. Vậy làm thế nào để không còn những vụ trẻ em đuối nước thương tâm?

    Chưa đầy 3 tháng đầu năm, cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh, trẻ nhỏ đuối nước tập thể khiến dư luận không khỏi xót xa, lo lắng.

    Mới đấy nhất là vụ 8 em học sinh đuối nước thương tâm trên sông Đà. Theo thông tin trên Tiền phong, chiều 21/3, nhóm 10 cháu bé là học sinh từ lớp 4 đến lớp 9 được nghỉ học nên cùng nhau ra bãi sông Đà đoạn qua phường Thịnh Lang (TP. Hòa Bình) đá bóng, chơi đùa sau đó xuống sông tắm.

    Khoảng 15h15, một người lớn gần đó đột nhiên không thấy các cháu nên chạy xuống tìm thử rồi hốt hoảng báo công an. Lực lượng chức năng có mặt lập tức, kết hợp với những vạn chài trên sông tìm các cháu nhưng xoáy nước sông Đà quá mạnh.

    Trong số 10 học sinh nói trên, chỉ có 2 em còn sống gồm 1 em bơi được vào bờ, một em không biết bơi nên từ chối xuống sông cùng các bạn.

    Vụ tai nạn đuối nước trên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em.

    Đây không chỉ là nỗi đau của những người có con bị tử vong mà còn là nỗi canh cánh, bất an của bất kỳ bậc cha mẹ nào khi chưa trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết về bơi lội và xử lý tình huống dưới nước.

    Những vụ trẻ em đuối nước liên tiếp xảy ra - Ảnh: Minh họa

    Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em bị đuối nước là do không có người lớn giám sát.

    Trong khi, những đứa trẻ này lại không có kỹ năng và không hề lường trước được sự nguy hiểm khi đến gần sông, hồ… Chẳng may, một người trong nhóm đang bơi bị chuột rút, tất sẽ cả lao vào cùng cứu, níu kéo nhau dẫn đến cùng chết đuối.

    Từng là người có nhiều năm làm Giám đốc Chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, theo ông An cần phải thực hiện tốt một số biện pháp phòng tránh đuối nước cơ bản.

    Trong đó, đầu tiên và quan trọng nhất là các bậc cha mẹ phải luôn để mắt tới con nhỏ, đặc biệt dưới 5-6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn, phải dặn dò các con không được đến gần sông, hồ, không đi theo các bạn xuống nước nếu không có người lớn đi cùng.

    Tiếp đến là nhà trường và gia đình phải luôn có sự phối hợp để theo dõi, quản lý các em, đặc biệt vào những tháng cuối học kỳ II, thời điểm đầu mùa nắng nóng. Ngoài ra, cần luyện tập cho trẻ kỹ năng sơ cấp cứu, bơi tự cứu, bơi cứu đuối và không phải học bơi để lấy thành tích.

    “Khi có bạn ngã xuống nước phải hô hoán kêu gọi mọi người quăng dây, quăng phao, cành cây, khúc gỗ… để cứu chứ không được ào ào nhảy xuống. Những chỗ sâu, trơn trượt, nước chảy phải có biển báo, rào chắn, người cảnh giới…”, ông An chia sẻ.

    Quỳnh Chi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-vu-8-hoc-sinh-chet-duoi-tren-song-da-lam-gi-de-tranh-nhung-bi-kich-dau-long-a267664.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan