Trong lúc tắm, Siu Lan Quyết và Siu Lan Quý bị trượt chân xuống vùng sâu. Thấy vậy, em Siu Nội lao xuống cứu nhưng không thành và bị đuối nước, cả 3 em đều tử vong.
Khoảng 13h40' ngày 11/3, sau khi đi học về, Siu Lan Quyết và Siu Lan Quý (hai anh em sinh đôi, năm 2014, học sinh Trường mẫu giáo Bằng Lăng) và Siu Nội (sinh năm 2012, học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngô Quyền, xã Dun) đều ngụ tại xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai rủ nhau đi tắm tại một ao chứa nước trong làng.
Trong lúc tắm, Siu Lan Quyết và Siu Lan Quý bị trượt chân xuống vùng sâu. Thấy vậy, em Siu Nội lao xuống cứu nhưng không thành và bị đuối nước, cả 3 em đều tử vong.
Sau khi khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể 3 học sinh xấu số để gia đình tổ chức mai táng.
Gia đình tổ chức tang lễ cho các nạn nhân. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Lãnh đạo UBND huyện Chư Sê cùng các ban ngành đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân xấu số.
Theo báo cáo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Lao động Thương Binh xã hội vào tháng 11/2018, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam.
Tử vong do đuối nước ở trẻ em chủ yếu xảy ra tại nơi cộng đồng và gia đình. Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao tập trung tại các vùng nông thôn, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn.
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước, khuyến cáo các bạn học sinh, sinh viên không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước; Chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi; Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt, tạo điều kiện để trẻ em tham gia các lớp học kỹ năng bơi.
Ngoài ra, một số địa phương có nhiều sông suối, ao, hồ nhỏ - nơi thường xuyên xảy ra những tai nạn đuối nước cần được quản lý chặt chẽ... như việc giám sát, dán bảng cảnh báo, cấm...
Vi An (T/h)