+Aa-
    Zalo

    Từ giữa tháng 11, giá dịch vụ y tế tăng 2-7 lần

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Từ ngày 15/11 tới đây, bảng giá dịch vụ y tế mới chính thức được áp dụng trên cả nước, trong đó 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá từ 2-7 lần.

    (ĐSPL) - Từ ngày 15/11 tới đây, bảng giá dịch vụ y tế mới chính thức được áp dụng trên cả nước, trong đó 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá từ 2-7 lần.

    Năm 2016 giá dịch vụ y tế tăng 2-7 lần

    Báo An Ninh Thủ Đô đưa tin, theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT được chia làm 2 lộ trình: Thứ nhất, từ ngày 15/11/2015, viện phí sẽ tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật); giai đoạn 2 từ ngày 1/3/2016, viện phí sẽ tính cả tiền lương.

    Theo bảng giá dự kiến, cuối năm 2015 viện phí sẽ tăng nhẹ nhưng đến năm 2016 sẽ tăng mạnh. Ước tính viện phí sẽ tăng từ 2-7 lần so với hiện nay, trong đó giá dịch vụ y tế tại bệnh viện tuyến Trung ương dự kiến sẽ tăng gấp đôi, tại bệnh viện tuyến huyện, tỉnh sẽ  tăng 5 lần.

    Chẳng hạn, đối với giường hồi sức cấp cứu, mức phí tối đa tại bệnh viện hạng đặc biệt hiện nay là 335.000 đồng/ngày nhưng từ giữa tháng 11 tới đây sẽ tăng lên 354.000 đồng và sang năm 2016 tăng vọt lên gần 680.000 đồng.

    Tại các bệnh viện hạng 4 và chưa phân hạng, giá giường điều trị nội trú cũng tăng từ 55.000 đồng/giường/ngày lên 66.000 đồng từ giữa tháng 11/2015 và tiếp tục nhảy lên 165.000 đồng, tức tăng gấp 3 lần. Riêng giá khám bệnh sẽ tăng 2-4 lần tùy hạng bệnh viện.

    Từ ngày 15/11 tới đây, bảng giá dịch vụ y tế mới chính thức được áp dụng trên cả nước.

    Tăng giá viện phí là cơ sở để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

    Tin tức từ báo Nông Nghiệp Việt Nam, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT- BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay giá dịch vụ y tế mới chỉ tính đủ 3/7 yếu tố cấu thành viện phí. Mức giá viện phí cụ thể sắp ban hành tới đây ngoài 3 yếu tố hiện tại sẽ được cộng thêm yếu tố thứ tư là các khoản chi tiền lương, phụ cấp vào kết cấu giá.

    Việc điều chỉnh  lần này về bản chất là sự chuyển dịch của các khoản chi trước đây được Nhà nước bao cấp, chi trực tiếp cho các bệnh viện sang kết cấu vào giá dịch vụ y tế. Đây là đòi hỏi khách quan nhằm hướng tới sự đổi mới căn bản về cơ chế tài chính và là cơ sở để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

    Cụ thể, lần này, sẽ có hơn 1.800 dịch vụ y tế được tăng giá, như tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng 1 là 20.000 đồng/lượt, giá mới sẽ là 40.000 đồng/lượt. Tại các bệnh viện hạng 3, hạng 4, tiền khám 7.000 đồng/lượt, giá mới sẽ là 30.000 đồng/lượt.

    Tiền giường nội khoa loại 1, bệnh viện hạng 1 hiện là 80.000 đồng/giường/ngày, giá mới sẽ là 215.000 đồng/giường/ngày, bệnh viện hạng 4 tăng từ 55.000 đồng/giường/ngày lên 165.000 đồng/giường/ngày. Giường hồi sức ở bệnh viện đặc biệt tăng từ 335.000 đồng/giường/ngày lên 677.000 đồng/giường/ngày…

    Tương tự, giá dịch vụ rửa dạ dày tăng từ 30.000 đồng/lần lên 106.000 đồng/lần. Dịch vụ lọc màng bụng cho người suy thận tăng từ 300.000 đồng/lần lên 379.000 đồng/lần…

    Đặc biệt, lần này, Bộ Y tế cho rằng theo quy định trước đây, giá một số phẫu thuật, ví như mổ cắt dạ dày chẳng hạn, ở tuyến huyện là 500.000 đồng/lần, ở tuyến tỉnh lại là 800.000 đồng/lần, tuyến Trung ương 1,2 triệu đồng/lần, ở bệnh viện đặc biệt là 1,4 triệu đồng/lần, là không công bằng cho cả người bệnh lẫn bệnh viện, vì đều phải tiêu hao vật tư y tế và nhân lực như nhau, vì vậy tới đây sẽ áp dụng giá đồng hạng giữa các bệnh viện…

    Cũng theo ông Sơn, giá viện phí tăng, áp lực trước hết đè nặng lên vai những người chưa có BHYT. Mà số người chưa có BHYT đa số là người nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa và những người ở nông thôn lên các thành phố làm lao động tự do.

    Với giá viện phí cũ, mỗi lần vào viện, đối với họ, đã là một lần “lên bờ xuống ruộng” rồi, nay viện phí tăng từ 2 đến 7 lần, chịu sao thấu? Còn với những người đã có BHYT, tuy đã có bảo hiểm chi trả, nhưng số tiền phải nộp mỗi lần khám chữa bệnh cũng tăng đáng kể, vì người có BHYT vẫn phải nộp từ 5 đến 20\% tổng số tiền mỗi lần khám chữa bệnh.

    Như vậy, có thể nói việc tăng viện phí lần này sẽ tác động đến túi tiền của cả người đã có BHYT lẫn người chưa có. Đó là chưa kể việc tính giá đồng hạng một số phẫu thuật giữa các bệnh viện, sẽ “đẩy” người bệnh lên các bệnh viện tuyến trên nhiều hơn, vì rõ ràng là các bệnh viện tuyến trên có trang thiết bị tốt hơn, có đội ngũ y bác sỹ có chuyên môn cao hơn các bệnh viện tuyến dưới. Tình trạng đó sẽ khiến các bệnh viện tuyến trên đã quá tải càng thêm quá tải.

    Cũng theo Bộ Y tế, thì với việc điều chỉnh viện phí lần này, người bệnh, kể cả đã có BHYT hay chưa có, đều được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn.

    Tuy nhiên, dư luận vẫn rất băn khoăn với lời hứa này. Chất lượng khám chữa bệnh có thực sự tốt hơn do tăng viện phí hay không, khi mà cơ sở hạ tầng của các bệnh viện vẫn như cũ, trang thiết bị của các bệnh viện vẫn như cũ. Đội ngũ y, bác sỹ vẫn như cũ. Và nhất là thái độ đối với người bệnh của đội ngũ cán bộ, nhân viên của các bệnh viện vẫn như cũ: Người bệnh là đối tượng được họ ban ơn, chứ chưa phải là đối tượng mà họ phải phục vụ. Viện phí tăng từ 2 đến 7 lần, trong khi lương chỉ tăng chưa đầy 13\%, quả là một nghịch lý....

    Tăng giá viện phí là xu thế tất yếu phải làm

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo An Ninh Thủ Đô bên hành lang Quốc hội chiều 27/10, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, đúng là giá dịch vụ y tế tới đây sẽ được điều chỉnh tăng từ 2-7 lần so với hiện hành song thực chất, tính bình quân thì mức tăng không quá lớn.

    Lý do bởi hầu hết trong số 1.800 dịch vụ y tế áp dụng ở tuyến trung chỉ tăng 2 lần, một số dịch vụ y tế có thể tăng 7 lần nhưng chiếm số lượng không nhiều và không phải là dịch vụ có mức giá cao nên ảnh hưởng đến người bệnh cũng không quá lớn.

     “Việc tính yếu tố tiền lương vào kết cấu giá viện phí là xu thế tất yếu phải làm. Hiện nay trong tổng số tiền từ ngân sách chi thường xuyên cho bộ máy y tế, chiếm đến gần 60\% là chi cho tiền lương cán bộ y tế. Do vậy, tăng giá viện phí lên thì ngân sách Nhà nước sẽ giảm bớt nguồn tiền chi trả lương cho cán bộ y tế, không phải chi thường xuyên cho các bệnh viện nữa và số tiền này được chuyển sang để hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng tham gia BHYT.

    Mặt khác, chúng ta đang tiến tới lộ trình BHYT toàn dân và khi đạt BHYT toàn dân thì giá viện phí tăng sẽ có lợi cho người bệnh có BHYT. Điều quan trọng lúc này là phải kiên trì chủ trương và đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân” - ông Nguyễn Văn Tiên nói.

    Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiên, cùng với tăng viện phí thì về lâu dài ngành y tế cần phải có chính sách minh bạch, tách biệt các dịch vụ y tế xã hội hóa trong bệnh viện công, không để công - tư lẫn lộn trong bệnh viện để đảm bảo đúng và đầy đủ quyền lợi của người bệnh.

    Tiêu chí xếp hạng bệnh viện

    Theo thông tư hướng dẫn xếp hạng bệnh viện của Bộ Y tế, tất cả các bệnh viện thuộc hệ thống y tế nhà nước đều được xem xét chia theo 5 hạng: hạng đặc biệt, hạng 1, hạng 2, hạng 3 và hạng 4. Việc xếp hạng đó là cơ sở để hoàn chỉnh về tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và chất lượng phục vụ người bệnh cũng như đề ra hướng đầu tư phát triển một cách thích hợp.

    Việc xếp hạng bệnh viện được xác định trên các tiêu chuẩn về vị trí, chức năng và nhiệm vụ; quy mô và nội dung hoạt động; trình độ chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu lao động; cơ sở hạ tầng; thiết bị y tế, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị của bệnh viện.

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]Zdj9lWUZx2[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-giua-thang-11-gia-dich-vu-y-te-tang-2-7-lan-a116910.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.