+Aa-
    Zalo

    Truyền hình thực tế Việt và "lời nguyền mùa đầu tiên"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hầu hết các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam mùa đầu tiên rất thành công nhưng những mùa sau, sức hút ngày càng giảm...

    Hầu hết các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam mùa đầu tiên rất thành công nhưng những mùa sau, sức hút ngày càng giảm, thậm chí có chương trình phải dừng sản xuất vì không thu hút người xem.

    Đơn cử một trường hợp “đầu voi đuôi chuột” là chương trình The Voice – Giọng hát Việt. Chương trình đã qua 5 mùa, từ năm 2012 đến nay. Mùa giải 2018 vừa kết thúc không lâu, tuy nhiên những gì đọng lại trong khán giả rất nhạt nhòa. Nhớ lại Giọng hát Việt mùa đầu tiên, mỗi tập phát sóng đều gây bão bởi các màn trình diễn xuất sắc từ những thí sinh nổi bật như Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Đinh Hương,...

    Không những thế, mỗi phát ngôn của các huấn luyện viên đều là chủ đề bàn tán trên khắp các diễn đàn, đưa The Voice 2012 trở thành chương trình ăn khách và thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại. Khán giả vô cùng thích thú, với từng câu tung hứng của Hồ Ngọc Hà và đàn chị Thu Minh, hay mỗi bài hát được thí sinh trình bày bỗng chốc trở thành hit sau một đêm. Vậy điều gì làm cho các chương trình trở nên “chết yểu” và mất hút ở những mùa sau đó?

    Sự cạnh tranh từ các chương trình mới

    Người xem có xu hướng tìm kiếm những điều mới mẻ hơn là những gì đã quá quen thuộc, vì thế hàng loạt các chương trình mới ra đời, đa dạng thể loại từ ca hát đến hài, từ người mẫu đến diễn viên hay thậm chí gần đây là sự bùng nổ của các show hẹn hò cũng chiếm một thị phần khán giả cực lớn. Các chương trình không chỉ cạnh tranh khi có cùng chủ đề, mà còn phải cạnh tranh với các thể loại show giải trí khác.

    The Face có mùa đầu tiên gây xôn xao kể từ khi chưa phát sóng cho đến lúc kết thúc.

    Ví dụ là "màn cung đấu" giữa The Face – Gương mặt thương hiệu 2016 với Vietnam’s Next Top Model năm 2016. Khi Vietnam’s Next Top Model đã trải qua 6 mùa và là một chương trình thành công nhất về nghề người mẫu ở thời điểm đó thì The Face là tân binh với những trò mới mẻ và format cực kỳ hấp dẫn.

    Không khó để nhận ra cùng một thời điểm phát sóng, The Face luôn nhận được sự quan tâm nhiều hơn của khán giả bởi sự mới mẻ mà nó mang lại, từ những màn “drama đặc trưng” đến những câu chuyện xung quanh đều trở thành tâm điểm của sự chú ý. Hiển nhiên về mặt chuyên môn Vietnam’s Next Top Model nhỉnh hơn nhưng cũng không thể nào đánh bại được một tân binh đầy hấp dẫn như The Face.

    Các cuộc thi sẽ chẳng thể nào thành công nếu thiếu đi những giám khảo hot, các gameshow không thể thu hút nếu thiếu những người chơi đặc biệt. Nhà sản xuất sẵn sàng bỏ ra số tiền khủng để có được những cái tên hot nhất làng giải trí xuất hiện trong các chương trình của họ. Dễ dàng nhận thấy Hoài Linh - Trấn Thành - Trường Giang sẽ là những lựa chọn hàng đầu cho các gameshow giải trí về hài kịch hay đòi hỏi sự tung hứng mang đến tiếng cười; Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh là sẽ lựa chọn hàng đầu cho vị trí "ghế nóng" các cuộc thi âm nhạc.

    Đặc điểm chung ở họ là những nghệ sĩ có câu chuyện, có nhiều điều thú vị để chương trình khai thác. Một Trấn Thành duyên dáng với những màn ứng biến vô cùng nhanh nhẹn và hài hước, hay một “nữ hoàng giải trí” đa tài với sự duyên dáng thông minh và ăn nói vô cùng khôn khéo, sắc xảo,...

    Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là với rất nhiều chương trình như thế, thì vài nghệ sĩ đó không thể tham gia các chương trình, họ có lựa chọn cho riêng họ, nên việc mời được những cái tên đủ độ hot là một điều vô cùng khó khăn cho nhà sản xuất. Có lẽ, vì thế mà chúng ta chỉ thấy Hồ Ngọc Hà xuất hiện ở các chương trình hầu như chỉ một mùa duy nhất, vì định hướng của nữ ca sĩ mỗi lần xuất hiện là sự mới mẻ cho khán giả hơn là xuất hiện nhiều và gây nên sự nhàm chán.

    Trong khi các ngôi sao có bề dày kinh nghiệm không nhiều và ít xuất hiện tại các gameshow thì việc lựa chọn những gương mặt trẻ thay thế để thu hút khán giả là điều hiển nhiên. Tuy vậy, nó lại dẫn đến tình trạng “ngồi nhầm chỗ” gây tranh cãi và làm khán giả ngán ngẩm hơn.

    Nhờ có dàn HLV chất lượng, Giọng hát Việt những mùa đầu rất thu hút người xem.

    Đối với các gameshow mang tính thi thố, các thí sinh chính là linh hồn của chương trình. Nhưng, trên thực tế, với quá nhiều cuộc thi “cung không đáp ứng đủ cầu”, tình trạng “nhẵn mặt” trên sóng truyền hình thường xuyên xảy ra. Hơn thế nữa, các giọng hát tương đối giống nhau và không có màu sắc riêng biệt dẫn đến khán giả không còn hào hứng với các cuộc thi âm nhạc như trước.

    Điểm sáng hiếm hoi của truyền hình thực tế

    Mặc dù càng về sau càng giảm nhiệt, nhưng phải thừa nhận, sự phát triển của gameshow đã tìm ra rất nhiều gương mặt triển vọng cho làng giải trí Việt. Nhìn vào Hương Tràm hay Bùi Anh Tuấn, Vũ Cát Tường, Bảo Anh, Đức Phúc... là những thí sinh thành công tiêu biểu nhất bước ra từ Giọng hát Việt; hay Huỳnh Lập, Lê Dương Bảo Lâm trưởng thành hơn sau Cười xuyên Việt,...

    Cái gì cũng có ngoại lệ, một số ít chương trình vẫn giữ được độ hot sau các mùa như: Giọng ải giọng ai, Người bí ẩn, Ơn giời cậu đây rồi,... Những chương trình này làm được điều đó bởi được đầu tư nghiêm túc và sáng tạo không ngừng, khiến khán giả vẫn còn quan tâm.

    Trường Giang

    Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 114

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truyen-hinh-thuc-te-viet-va-loi-nguyen-mua-dau-tien-a245654.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan