Thông tin trên báo An ninh Thủ đô, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận cấp cứu điều trị cho hai bé sinh đôi bị rắn hổ mang cắn (9 tuổi, ở Tam Nông, Phú Thọ), được chuyển lên từ trung tâm y tế huyện.
Theo lời kể, hai chị em đang chơi đùa tại sân nhà thì bất ngờ bị rắn hổ mang cắn. Bố cháu bé đã bắt được con rắn rồi đưa hai bé đến viện cấp cứu, không quên mang theo con rắn độc để giúp bác sĩ nhận diện.
Triệu chứng nhiễm độc khi bệnh nhân bị rắn cắn rất rõ. Tại vị trí vết cắn: Đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Vết rắn cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt, theo báo Lao động.
Toàn thân đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim,… có thể tử vong (do liệt các cơ gây khó thở) hoặc tàn phế.
Sau khi giải thích với gia đình, hai bé được bất động chi cắn, kê cao vùng tay, vệ sinh vết cắn và được chỉ định dùng “huyết thanh kháng nọc rắn hổ”.
Người em bị cắn trước, tình trạng sưng đau nhiều nên phải sử dụng tới 8 lọ huyết thanh, còn người chị bị rắn cắn sau nên dùng 2 lọ.
TS.BS Hà Thị Bích Vân – Trưởng khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Sức khỏe của hai bé có dấu hiệu cải thiện tốt và dần ổn định. Sau 1 ngày theo dõi điều trị, hai bé đã có thể xuất viện và trở về gia đình.
Các bác sĩ cho biết, điều trị rắn cắn hữu hiệu nhất là huyết thanh kháng nọc rắn. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 6 giờ đầu. Nếu trễ sau 24 - 48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.
Nguyễn Linh (T/h)