+Aa-
    Zalo

    Trường tiểu học không có giáo viên tiếng Anh sau quyết định luân chuyển viên chức

    (ĐS&PL) - Lãnh đạo Trường Tiểu học Lê Lợi (Đắk Lắk) đã có báo cáo về việc không có giáo viên dạy môn Tiếng Anh năm học 2023-2024 gửi UBND huyện Buôn Đôn, Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT huyện Buôn Đôn.

    Chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh nhưng bị chuyển đi

    Theo Người Đưa Tin Pháp Luật, chiều 20/9, ông Phạm Văn Cường - Hiệu trưởng  Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Cuôr Nia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, ngày 14/8/2023, UBND huyện Buôn Đôn đã ban hành quyết định số 3296/QĐ-UBND về việc chuyển công tác đối với viên chức của nhà trường.

    Cụ thể, UBND huyện Buôn Đôn quyết định chuyển công tác đối với cô P.T.H.T. (SN 1990, trình độ chuyên môn: Cử nhân sư phạm Tiếng Anh) - giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi đến nhận công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ama Trang Lơng (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), kể từ ngày 21/8/2023.

    Ông Phạm Văn Cường nói rằng, ông chỉ biết việc cô P.T.H.T. được luân chuyển công tác sau khi tiếp nhận quyết định do UBND huyện ban hành.

    Theo quy định Nghị định 115 của Chính phủ về tuyển dụng công chức và căn cứ và Công văn 106 của Phòng GD&ĐT về tiếp nhận hồ sơ thuyên chuyển công tác theo nguyện vọng, nhà trường phải có công văn đồng ý chuyển đi và có một công văn tiếp nhận của đơn vị mới công tác.

    Tuy nhiên, sau khi UBND huyện Buôn Đôn ban hành quyết định luân chuyển viên chức, nhà trường mới có công văn cho bà P.T.H.T. chuyển công tác.

    truong tieu hoc khong co giao vien tieng anh sau quyet dinh luan chuyen vien chuc
    Trường Tiểu học Lê Lợi chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh. Ảnh minh họa: Người Đưa Tin Pháp Luật

    Điều đáng nói là Trường Tiểu học Lê Lợi chỉ có một giáo viên dạy tiếng Anh. Hơn nữa, đây là môn đặc thù không thể bố trí giáo viên dạy thay. Thế nhưng, lãnh đạo huyện Buôn Đôn vẫn ký quyết định cho cô giáo này chuyển đi, báo Đại Đoàn Kếtđưa tin.

    Được biết, nơi cô P.T.H.T. chuyển đến hiện đã có 3 giáo viên tiếng Anh, thêm cô T. chuyển về thành 4 giáo viên dạy môn học này.

    Ông Trần Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ama Trang Lơng cũng xác nhận hiện tại,  nhà trường đã có 3 giáo viên dạy Tiếng Anh và trong tháng 8/2023 có tiếp nhận thêm 1 cô về, nâng tổng số giáo viên dạy Tiếng Anh của trường lên 4 cô giáo.

    Trong khi đó, Trường Tiểu học Lê Lợi - nơi có 312 học sinh, trong đó hơn 80% là học sinh dân tộc thiểu số phía Bắc - chỉ có một giáo viên tiếng Anh nhưng nay lại bị chuyển đi.

    Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tiếng Anh là một học bắt buộc và dạy chính khóa. Sau quyết định luân chuyển viên chức, nhà trường “trắng” giáo viên tiếng Anh, các học sinh không được học môn học bắt buộc này.

    Giải pháp tạm thời cho tình trạng “trắng” giáo viên Tiếng Anh

    Trước việc không còn giáo viên Tiếng Anh, ngày 14/9, lãnh đạo Trường Tiểu học Lê Lợi đã có báo cáo gửi UBND huyện Buôn Đôn, Phòng Nội vụ, Phòng GD&ĐT huyện Buôn Đôn về việc này, theo Người Đưa Tin Pháp Luật.

    Nội dung báo cáo nêu rõ, tính đến ngày 21/8, Trường Tiểu học Lê Lợi có tổng cộng 23 biên chế. Trong đó, có 2 viên chức quản lý, 1 tổng phụ trách đội, 17 giáo viên và 3 nhân viên.

    Đối chiếu chỉ tiêu số lượng người làm việc được UBND huyện giao trong quyết định số 3344 ngày 28/8/2023 thì tại thời điểm này nhà trường còn thiếu 1 giáo viên tiếng Anh (do chuyển công tác theo quyết định số 3296 ngày 14/8/2023 của Chủ tịch UBDN huyện).

    XEM THÊM: 3 học sinh được BHYT chi trả tiền tỷ, cao nhất 1,07 tỷ đồng

    Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi, tính đến nay, đã bước vào năm học mới 2023-2024 được 2 tuần nhà trường không thực hiện đầy đủ chương trình theo quy định tại Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông về môn tiếng Anh.

    Trên cơ sở đó, Trường Tiểu học Lê Lợi đề nghị UBND huyện, Phòng Nội vụ, Phòng GD&ĐT xem xét bố trí giáo viên tiếng Anh cho nhà trường để đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ cũng như chất lượng giáo dục môn Tiếng Anh.

    Đồng thời, cho ý kiến có thực hiện giảng dạy môn tiếng Anh hay không thực hiện dạy môn tiếng Anh để nhà trường sắp xếp thời khóa biểu giảng dạy cho phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường.

    Để giải quyết tạm thời tình trạng “trắng” giáo viên Tiếng Anh, ông Phạm Văn Cường cho hay, nhà trường đã nỗ lực liên hệ, tìm kiếm và thỏa thuận với một giáo viên dạy tiếng Anh trên địa bàn huyện với mức lương 3,8 triệu đồng/tháng để về dạy học tạm thời cho các em học sinh.

    truong tieu hoc khong co giao vien tieng anh sau quyet dinh luan chuyen vien chuc1
    Theo quy định, mỗi tuần các khối lớp 3, 4, 5 phải học tiếng Anh 4 tiết tiết/tuần nhưng hiện tại nhà trường mới chỉ bố trí, sắp xếp cho các em được học 2 tiết/tuần. Ảnh minh họa: Đại Đoàn Kết

    Để có kinh phí trả lương cho cô dạy tiếng Anh này, nhà trường cũng đang gặp khó khăn vì không có kinh phí chi trả nên phải huy động xã hội hóa giáo dục.

    Mặt khác, theo quy định, mỗi tuần các khối lớp 3, 4, 5 phải học 4 tiết/tuần nhưng hiện tại nhà trường mới chỉ bố trí, sắp xếp cho các em được học 2 tiết/tuần.

    Liên quan đến vụ việc nói trên, báo Đại Đoàn Kết dẫn lời một lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Buôn Đôn cho hay, tuy là lãnh đạo phòng nhưng ông không biết về việc luân chuyển giáo viên này.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truong-tieu-hoc-khong-co-giao-vien-tieng-anh-sau-quyet-dinh-luan-chuyen-vien-chuc-a591942.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan